Phát triển bền vững thị trường thông tin di động
Vài năm gần đây, cứ bắt đầu sang một năm mới, các mạng di động lớn như Viettel, VinaPhone và MobiFone lại rục rịch giảm cước với "biên độ" khoảng 15%. Tuy nhiên, sang năm nay, các mạng này đều "ngại" giảm mạnh "như thông lệ" do giá cước đã tiệm cận giá thành.Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đang xây dựng phương án kiểm soát chặt chẽ hơn doanh nghiệp thông tin di động để thị trường viễn thông phát triển một cách bền vững.Từ cuối năm 2010, Thứ trưởng Thường trực Bộ TT và TT Lê Nam Thắng đã nhiều lần 'cảnh báo' các doanh nghiệp thông tin di động tại các diễn đàn, các hội nghị của ngành rằng, thị trường thông tin di động phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững. Có thể thấy điều này qua hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã xuất hiện một số nguy cơ, như lợi nhuận trên doanh thu, vốn đầu tư, nộp ngân sách nhà nước có dấu hiệu chững lại, thậm chí đi xuống. Kết thúc năm 2010, hầu hết các doanh nghiệp thông tin di động đều duy trì được...
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đang xây dựng phương án kiểm soát chặt chẽ hơn doanh nghiệp thông tin di động để thị trường viễn thông phát triển một cách bền vững.
Từ cuối năm 2010, Thứ trưởng Thường trực Bộ TT và TT Lê Nam Thắng đã nhiều lần 'cảnh báo' các doanh nghiệp thông tin di động tại các diễn đàn, các hội nghị của ngành rằng, thị trường thông tin di động phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững. Có thể thấy điều này qua hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã xuất hiện một số nguy cơ, như lợi nhuận trên doanh thu, vốn đầu tư, nộp ngân sách nhà nước có dấu hiệu chững lại, thậm chí đi xuống. Kết thúc năm 2010, hầu hết các doanh nghiệp thông tin di động đều duy trì được tốc độ tăng doanh thu ở mức hai con số, tuy nhiên lợi nhuận chỉ đạt mức một con số. Con số này thể hiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp không cao.
Trở lại câu chuyện có giảm cước di động năm nay hay không và mức độ giảm thế nào, một lãnh đạo của Bộ TT và TT cho rằng, nếu giá cước di động tiếp tục giảm mạnh hơn nữa, doanh nghiệp sẽ không có khả năng tái đầu tư mở rộng mạng lưới và hệ quả là chất lượng mạng sẽ kém đi. Đó là điều bất lợi không chỉ cho chính doanh nghiệp di động mà còn ảnh hưởng chung tới cả tốc độ phát triển của ngành viễn thông. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức ARPU (doanh thu bình quân trên một thuê bao di động) thấp nhất, dưới 5 USD. Mức ARPU thấp là chỉ số thể hiện mức độ cạnh tranh cao và sự bão hòa của thị trường di động. Chính vì vậy, các mạng di động Việt Nam đã từng lo ngại việc đổ vỡ thị trường nếu giá cước tiếp tục giảm quá mạnh.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ còn hai nước là Băng-la-đét và Ấn Độ có mức cước di động khoảng 1 cent/phút. Những thị trường đang có giá cước dưới một cent/phút là thị trường 'chết'. Việt Nam đã ở mức khoảng 3,5 cent/phút (dưới 800 đồng/phút) – đã tính cả cước khuyến mãi liên tục của các mạng di động. Do đó, cước di động Việt Nam chỉ có thể giảm thêm không đáng kể. Nếu giảm mạnh quá, thị trường sẽ bắt đầu đổ vỡ. Cùng chung quan điểm này, đại diện Công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone) cho rằng, các mạng di động có thể cắt giảm chi phí và giảm cước di động, nhưng nếu ở mức hai cent/phút sẽ không thể có lãi để tái đầu tư và tồn tại.
Theo lãnh đạo Bộ TT và TT, ở thời điểm hiện tại, nếu 'thả' giá cước di động khoảng sáu tháng, sẽ có doanh nghiệp di động 'chết'. Thị trường di động nước ta đang trong giai đoạn cạnh tranh phức tạp. Hiện trên thị trường có bảy mạng di động, trong đó có mạng di động đang trong tình trạng kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ trong vài năm liền. Theo quy luật thông thường, một mạng di động đã rơi vào tình trạng khủng hoảng và với 'cái chết được báo trước', họ sẽ 'quậy phá' bằng mọi cách để kéo dài tuổi thọ. Cách phổ biến nhất là bán phá giá dịch vụ để thu hút thuê bao. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát chặt chẽ những động thái này, dễ kéo theo tình trạng các doanh nghiệp đồng loạt phá giá, kéo theo sự đổ vỡ thị trường. Một đặc thù của thị trường viễn thông khi đã đổ vỡ sẽ rất khó vực dậy và bằng chứng ở các nước có thị trường di động đã đổ vỡ như tại Băng-la-đét không có nhà đầu tư nào, kể cả doanh nghiệp nước ngoài mua lại các công ty viễn thông đó để vực dậy nữa.
Vì những lý do trên, Bộ TT và TT sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng thị trường di động và đề xuất xây dựng giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp. Bộ sẽ thành lập tổ công tác về giá cước, nếu các doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả, Bộ sẽ đưa vào diện quản lý đặc biệt để can thiệp kịp thời, đề xuất phương án mua bán, sáp nhập. Mục đích là không để xảy ra tình trạng một doanh nghiệp sập làm đổ vỡ cả thị trường. 'Thị trường viễn thông đang cạnh tranh gay gắt, có cạnh tranh thì có phá sản, có mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý kiên quyết không để xảy ra tình trạng một hoặc vài doanh nghiệp thua lỗ làm ảnh hưởng toàn diện đến cả thị trường', lãnh đạo Bộ TT và TT khẳng định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()