Phát triển bền vững ngành bán lẻ hàng hóa
Nhiều năm qua ở Việt Nam, bán lẻ hàng hóa (BLHH) là ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng, mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế. Đây cũng là khâu kết nối không thể thiếu giữa sản xuất và tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành bán lẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh do vậy các doanh nghiệp cần liên tục đổi mới, xây dựng chiến lược phù hợp để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tăng trưởng ấn tượng
Tròn một thập kỷ Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng là tròn 10 năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ xã hội thường xuyên đạt mức hai con số; thị trường bán lẻ (TTBL) có mức tăng luôn cao hơn hai đến ba lần mức tăng GDP cả nước và nhiều ngành khác.
Theo Bộ Công thương, cả nước đã có khoảng 9.000 chợ các loại, khoảng 1.000 siêu thị và TTTM; tỷ trọng hàng hóa qua mô hình truyền thống chiếm 70 đến 75%; qua hệ thống thương mại hiện đại khoảng 25% đến 30% và xu hướng này ngày càng tăng. Đáng chú ý là vai trò quan trọng của thương mại điện tử với doanh số bán lẻ khoảng năm tỷ USD năm 2016 (năm 2013 chỉ đạt 2,2 tỷ USD), chiếm hơn 3% tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, số lượng các cơ sở bán lẻ tăng rất nhanh thời gian qua, nhất là từ giữa năm 2015 với sự phát triển các hoạt động thương mại, quy mô tiêu dùng, dòng đầu tư nước ngoài vào TTBL và việc gia nhập của một số doanh nghiệp (DN) lớn trong nước. Ước tính ngành bán lẻ đang tạo việc làm cho ba đến bốn triệu lao động. Đặc biệt, doanh số bán lẻ của khối DN FDI chỉ chiếm 4% cả nước với khoảng 90 điểm nhưng doanh thu và hiệu quả kinh doanh cao hơn nhiều mặt bằng chung (doanh số tại một điểm bán lẻ thuộc khối này thường cao gấp ba đến bốn lần, thậm chí bảy đến tám lần một siêu thị nội).
Nhiều yếu tố cũng chứng tỏ, TTBL Việt Nam tiếp tục phát triển thời gian tới. Đó là quy mô dân số, thu nhập đầu người tăng và độ mở của nền kinh tế. Với hơn 90 triệu người, cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người tiêu dùng trẻ cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, hơn một phần ba dân số sống tại thành thị làm tăng quy mô tiêu dùng. Tỷ lệ bán lẻ hiện đại khoảng 25% thấp xa các nước trong khu vực. Nguồn cung hàng hóa dịch vụ tăng do tăng trưởng GDP khi nền kinh tế phục hồi rõ nét; nhất là vài năm tới thị trường Việt Nam được mở rộng theo các cam kết quốc tế. Vì những lý do đó, kể từ năm 2008 đến nay (trừ năm 2012), Việt Nam liên tục nằm trong số 30 TTBL mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài. Nhìn lại chặng đường mười năm qua, có thể khẳng định, ngành bán lẻ Việt Nam có bước phát triển ấn tượng.
Cạnh tranh để tiếp tục phát triển
Nhưng cần nói thêm rằng, sự phát triển này có thể mạnh mẽ hơn nhiều, nếu về mặt quản lý nhà nước, chúng ta thực hiện tốt một số nhóm vấn đề dù đã xác định đúng về mặt nguyên tắc, với nhà bán lẻ (NBL) nước ngoài và NBL trong nước. Thứ nhất, với NBL nước ngoài, phân tích các quy định pháp luật áp dụng riêng cho đối tượng này, có thể thấy Việt Nam đã tuân thủ các cam kết WTO về lộ trình mở cửa, thậm chí rộng hơn cam kết; liên quan công cụ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi NBL nước ngoài muốn mở cơ sở thứ hai. Thực chất, đây chính là cam kết mang tính bảo lưu của Việt Nam được các thành viên WTO chấp nhận nhằm giúp các NBL Việt Nam có không gian cần thiết để phát triển trước sự cạnh tranh của các NBL nước ngoài. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quá trình thực thi chưa hoàn toàn chặt chẽ, do đó chưa hiện thực hóa được ý đồ đàm phán mở cửa TTBL Việt Nam và bảo vệ hợp lý NBL nội địa. Cụ thể, công cụ ENT chưa phải một khung cấp độ quốc gia, vận dụng chưa hiệu quả, nhiều địa phương thực hiện ENT sơ sài, dẫn đến cấp phép lập cơ sở bán lẻ ồ ạt, dễ dàng. Hệ quả làm cơ sở bán lẻ nội địa non trẻ cạnh tranh vất vả hơn. Thứ hai, với NBL trong nước, theo nhận định của VCCI, mặc dù cũng được ưu tiên một số chính sách ưu đãi riêng, tuy nhiên chỉ tập trung vào một vài mô hình cụ thể với bán lẻ hiện đại là siêu thị và TTTM. Còn bán lẻ truyền thống chỉ ưu đãi đầu tư chợ, kèm điều kiện ở vùng nông thôn. Có thể nói, chúng ta chưa có được chiến lược tổng thể phát triển ngành bán lẻ Việt Nam.
Trong khi đó, sự gia tăng đột biến số lượng và cơ sở bán lẻ của NBL cả trong nước và nước ngoài vài năm gần đây làm bùng nổ các vụ sáp nhập – hợp nhất – mua lại cổ phần (M&A) trên TTBL Việt Nam. Đình đám nhất là Tập đoàn Central Group (Thái-lan) mua lại chuỗi siêu thị Big C (Pháp), Metro (Đức) và một phần hệ thống điện máy Nguyễn Kim; Aeon (Nhật Bản) chiếm một phần Fivimart và Citimart; bán lẻ nội địa thì Vingroup mua đứt Vinatex Mart, phần lớn Ocean Mart;… Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, với các DN trong nước, do nhu cầu vốn rất lớn và kỳ vọng tăng cường năng lực phân phối sẵn sàng mời gọi đối tác cùng ngành nghề, cùng chuyên môn, cùng định hướng để tiếp tục đầu tư, phát triển nhanh và bền vững hơn, tiếp cận công nghệ nước ngoài, hai bên cùng có lợi. Mặt khác, các DN nội mất dần thị phần bán lẻ cũng có xu hướng sáp nhập với nhau. Với NBL nước ngoài, sức mạnh vốn, công nghệ quản lý, kinh nghiệm thương trường, nhân sự cao cấp, M&A là đường ngắn nhất và nhanh nhất để sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ đang hoạt động và lượng khách hàng đang có. Chưa kể DN nước ngoài còn được hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ qua các chương trình, chiến lược tổng thể phát triển hệ thống phân phối với sự khép kín toàn diện sản xuất – tiêu dùng, sản phẩm của họ chất lượng tốt, giá thành rẻ, và dịch vụ hoàn hảo. Từ thực tiễn M&A, xuất hiện những lo lắng ngành bán lẻ trong nước có thể bị NBL nước ngoài thôn tính, kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là bán lẻ chiếm thị phần lớn sẽ điều tiết cấu trúc nền sản xuất hoặc NBL nước ngoài bằng cách nào đó từ chối nhập hàng sản xuất nội địa; hay rủi ro với người tiêu dùng nếu NBL nước ngoài sau khi thống lĩnh thị trường đồng loạt tăng giá hàng,… Về vấn đề này, VCCI cho rằng, trong tương lai gần, khả năng nhà đầu tư nước ngoài “thôn tính” toàn bộ TTBL Việt Nam dường như không hiện thực do các mô hình bán lẻ truyền thống trong tay các NBL hiện đại (nhất là bán lẻ chuyên doanh) có sự góp mặt của không ít DN nội địa mạnh.
Sự tham gia và mở rộng thị phần của NBL nước ngoài là xu thế tất yếu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại xung lực mới phát triển ngành bán lẻ Việt Nam. Thông qua kích thích phát triển TTBL, gia tăng cạnh tranh tạo sức ép nâng cao năng lực NBL nội địa, hợp tác và phát triển cùng NBL nội địa và mang lại lợi ích cuối cùng cho người tiêu dùng. Nghiên cứu của VCCI cho rằng, thách thức trước hết đặt trên vai từng DN và chủ thể kinh doanh bán lẻ. Từ góc độ chính sách, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp DN nội đẩy nhanh quá trình khắc phục điểm yếu, đặc biệt các khía cạnh từng chủ thể đơn lẻ khó vượt qua. Trong tổng thể, hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa lớn, định hướng phát triển ngành bán lẻ hệ thống và lâu dài, tránh tình trạng manh mún, tự phát và thiếu bền vững hiện nay.
Điều tra của VCCI với đối tượng là NBL trong nước về ảnh hưởng của FDI tới hoạt động DN cho thấy, 31% cho rằng tích cực hoặc rất tích cực, gấp bốn lần (8%) cho rằng tiêu cực hoặc rất tiêu cực. Điểm tích cực được nhiều DN đồng tình là FDI khiến TTBL Việt Nam sôi động, qua đó kích thích tiêu dùng và là cơ hội học hỏi, đặc biệt vấn đề quản trị. Nguy cơ ở khía cạnh thu hút mất nhân lực, thu hút khách hàng hiện có làm giảm hiệu quả kinh doanh. Cũng theo điều tra này, DN bán lẻ nội địa tự tin nhất về am hiểu tâm lý khách hàng và giá cả hàng hóa. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()