Phát triển bền vững năng lượng sạch
Ðồng bằng sông Cửu Long đang phát triển mạnh mẽ tiềm năng các nguồn năng lượng từ điện gió, điện mặt trời…; kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới về kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ.
Những ngày này, vùng ven biển xã Ðông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) nhộn nhịp hơn khi hàng nghìn công nhân, kỹ sư… đang tất bật hoàn thiện những công đoạn sau cùng để năng lượng “gió trời” sớm hòa vào lưới điện quốc gia từ dự án Nhà máy Ðiện gió Ðông Hải 1.
Trên những công trình nắng gió
Công trình trên có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được khởi động vào năm 2020 tại vùng biển xã Ðông Hải, trở thành dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Ðể kịp tiến độ theo kế hoạch, ban lãnh đạo của Tập đoàn Trung Nam đã huy động hơn chục nghìn kỹ sư, công nhân phục vụ thi công trên biển. Nhờ đó mà đến tháng 10/2021, toàn bộ 25 tua-bin gió của dự án với tổng công suất 100 MW đã hoàn thành việc lắp đặt. Khi chính thức đi vào phát điện, Ðiện gió Ðông Hải 1 sẽ bổ sung 330 triệu kW giờ “năng lượng xanh” mỗi năm vào lưới điện quốc gia.
Sau khi có chủ trương “mở cửa” lại, các công trình, dự án vùng châu thổ Cửu Long trở nên bận rộn, hối hả. Tại vùng ven biển bờ Ðông thuộc huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), hàng nghìn công nhân, kỹ sư cũng miệt mài làm việc trên những công trình điện gió. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Ðô cho biết, với tiến độ khẩn trương như hiện nay dự kiến đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ có thêm 70 MW điện gió đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất các công trình điện gió chính thức đi vào vận hành của tỉnh trong năm 2021 là 170 MW.
Tại vùng ven biển huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu), sau hơn hai năm khẩn trương thực hiện, 9 trụ tua-bin giai đoạn 1 của Nhà máy điện gió Kosy, do Công ty cổ phần Kosy (thành viên của Tập đoàn Kosy) làm chủ đầu tư cũng hoàn thành để đấu nối vào lưới điện quốc gia. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, đến cuối tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 8 trong số 9 nhà máy điện gió hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất 469,2 MW-lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ ba cả nước. Trong đó, có sáu dự án điện gió trên biển (công suất 349,2 MW), hai dự án điện gió trong đất liền (công suất 120 MW), sản lượng điện gió hằng năm đạt hơn 1,4 tỷ kW giờ, bước đầu đóng góp cho ngân sách tỉnh gần 300 tỷ đồng/năm.
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần giải bài toán an ninh năng lượng, tạo động lực bứt phá, phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương mình và toàn vùng. Ðây cũng là lý do vùng đất khô cằn rộng lớn 275 ha ở xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) nằm dưới chân Núi Cấm-ngọn núi cao nhất dãy Thất Sơn (tỉnh An Giang) trở thành những cánh đồng điện năng lượng mặt trời. Với tổng công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, kể từ năm 2021, cánh đồng năng lượng trên của Tập đoàn Sao Mai đóng góp gần 400 triệu kW giờ mỗi năm cho lưới điện quốc gia. Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, từ khi Tập đoàn Sao Mai đầu tư nhà máy năng lượng mặt trời, đồng đất cằn cỗi, ít mưa nhiều nắng vùng Bảy Núi đã có sự thay đổi lớn. Bên cạnh tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, nhất là đồng bào dân tộc Khmer có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, cánh đồng năng lượng mặt trời dưới chân Núi Cấm còn xây dựng theo mô hình nông trại xanh giữa thảo nguyên (Sao Mai Solar Farm), tạo “cú huých” phát triển bền vững ngành công nghiệp xanh, kết hợp khai thác du lịch sinh thái.
Ðể năng lượng sạch thành động lực phát triển
Ðồng bằng sông Cửu Long có đường bờ biển và các hải đảo với chiều dài khoảng 700 km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 km2. Ở đó, điều kiện gió biển ven bờ mạnh, tiềm năng khai thác năng lượng gió có thể đạt từ 1.200 – 1.500 MW. Một nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Hợp tác quốc tế Ðức (GIZ) cũng chỉ rõ, mỗi năm, toàn vùng nhận trung bình từ 2.200-2.500 giờ nắng, trong đó hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời, với bức xạ trung bình từ 1.387-1.534 kWh/kWp/năm. Với thông số từ nghiên cứu nêu trên thì tiềm năng tổng công suất điện mặt trời toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể lên tới 136.275MW, điện lượng ước tính hơn 216 tỷ kWh/năm. Ðó là chưa kể tiềm năng từ sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối rất dồi dào từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp hơn 23 triệu tấn/năm mà các địa phương trong vùng chưa có điều kiện đầu tư, khai thác.
Những năm gần đây, nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong số đó có Cà Mau, tỉnh có ba mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, khu vực bãi bồi ven biển rộng lớn và ngư trường khai thác hơn 80 nghìn km2. Ðảng bộ tỉnh Cà Mau xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025 là: tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là các dự án năng lượng sạch.
Ðể hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ngay từ khi chuẩn bị Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Cà Mau đã đặt nền móng vững chắc khi xúc tiến ngay 16 dự án điện gió (tổng công suất 1.000 MW) đã được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực. Ðây cũng là dư địa lớn để Cà Mau có thêm nguồn thu ngân sách bền vững hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm khi 1.000 MW điện gió chính thức đi vào vận hành thương mại, đồng thời kéo theo hàng loạt ngành nghề phát triển, đặc biệt là thương mại, du lịch sinh thái và dịch vụ các vùng ven biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi, cho biết: Cà Mau tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu “dài hơi” của tỉnh là đến năm 2030 sẽ tăng thêm 5.000 MW và năm 2045 thêm 11.000 MW điện gió. Khi được đầu tư hoàn thiện, các dự án trên sẽ là đòn bẩy không chỉ giúp tỉnh tăng thu ngân sách hằng năm, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần quan trọng vào khả năng chủ động được nguồn thu, thúc đẩy phát triển bền vững. Cà Mau đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, đồng ý cho tỉnh triển khai 37 dự án phát triển năng lượng trong giai đoạn đến 2045, tổng công suất trên 25.500 MW cùng các công trình lưới điện và nhà máy sản xuất khí hydro xanh bảo đảm giải phóng công suất cho các dự án năng lượng.
Theo khảo sát của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiềm năng phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi của tỉnh Sóc Trăng tương đương quy mô công suất hơn 7.000 MW. Ðến nay, Sóc Trăng có 20 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng quy mô công suất 1.435 MW và đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án, tổng công suất 1.095 MW. Nhờ vào cuộc quyết liệt mà đến nay, 11 trong số 16 dự án điện gió đang tiến hành thi công, dự kiến có bốn nhà máy điện gió đưa vào vận hành thương mại vào cuối năm 2021.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của Sóc Trăng là cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Tại Bạc Liêu, ngoài Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD đã được cấp phép, tỉnh đang triển khai thi công chín dự án điện gió với tổng công suất 562 MW, đồng thời đề nghị đưa vào Quy hoạch Ðiện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện hơn 9.000 MW cho giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, cho biết: tỉnh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp ven biển, nhất là ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2020, có xét đến 2030 của tỉnh Trà Vinh đã được Bộ Công thương phê duyệt, với tổng công suất 1.608 MW. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 17 dự án điện gió, tổng công suất 2.400MW, cùng trạm biến áp và đường dây 500 kV vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ðến nay, 4/17 dự án điện gió đã được duyệt bổ sung vào Quy hoạch, với tổng công suất 396 MW…
Nhìn chung, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long thấy rõ tiềm năng và có lộ trình dài hơi để phát triển các dự án năng lượng sạch. Tuy nhiên, để có nguồn thu ngân sách bền vững, các dự án năng lượng cần lồng ghép với ngành, lĩnh vực khác có thế mạnh ở địa phương, đặc biệt là du lịch và nông nghiệp xanh, tạo nên giá trị và tăng trưởng xanh, như cách làm đang manh nha tại vùng thất sơn An Giang và ven biển Nhà Mát tỉnh Bạc Liêu.
“Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến năm 2035 thì toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 68.600MW tiềm năng điện gió và hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời. Các dự án điện đang quy hoạch khi triển khai tốt sẽ tạo thêm nguồn thu không nhỏ cho địa phương và cung cấp thêm nguồn điện rất lớn cho các vùng, miền trong cả nước”.
TS Lê Anh Tuấn
Phó Viện trưởng Biến đổi khí hậu, Ðại học Cần Thơ
Ý kiến ()