Phát triển bền vững kinh tế trang trại
Gia đình anh Chúng A Sính ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đầu tư trang trại cam, bưởi.
Những trang trại vùng cao
Những ngày cuối năm 2018, tại huyện Mộc Châu (Sơn La), các trang trại của nông dân rộn ràng mùa thu hoạch nông sản. Bên những đồi chè, mận, mơ trái vụ là bạt ngàn những vườn cam, quýt, bưởi chín rộ.
Tại trang trại Ngọc Hạnh ở bản Búa, xã Đông Sang, chủ trang trại Lê Hạnh cho biết, đây là năm thứ hai, bưởi da xanh và bưởi Diễn của gia đình cho thu hoạch. Hiện gia đình ông Hạnh có 2,2 ha trồng cây ăn quả theo mô hình hữu cơ. Do địa hình khác nhau cho nên trang trại của gia đình được chia thành từng khu vực để trồng các loại cây ăn trái phù hợp. Toàn trang trại hiện có 500 gốc cây bưởi Diễn, 300 gốc cây bưởi da xanh. Từ vườn bưởi, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 100 triệu đồng, các cây ăn trái khác như ổi, nhãn cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Kết hợp với vườn cây ăn trái, gia đình phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình vào khoảng 500 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình trang trại tuy không lớn, nhưng phát triển khá ổn định, áp dụng công nghệ sản xuất an toàn và được người dân trong xã học tập kinh nghiệm.
Cũng với mô hình sản xuất cây – con, vợ chồng anh Lò Khánh Thủy và Lò Thị Xuân, ở tiểu khu Chờ Lồng, thị trấn Nông trường Mộc Châu lại có cách làm khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Với hơn 3 ha đất, gồm đất đồi núi, đất gò thấp và đất trũng, gia đình đã đưa những loại cây trồng, vật nuôi thích hợp để phát triển sản xuất. Tận dụng sườn đồi, chủ hộ đã trồng khoảng 1.000 m 2cây chè. Khu vực cao hơn dành để trồng mận. Cây mận mỗi năm cho thu hoạch một lần nhưng mang lại doanh thu cao và ổn định. Khu vực thấp hơn, gia đình trồng hơn 200 gốc cam quýt, dưới ruộng trồng cây chịu nước. Sau khi thu hoạch, đất bùn ở ruộng được nạo vét để bón cho cây trồng trên gò cao. Nơi thấp trũng thì đào ao thả cá. Anh Thủy cho biết, gia đình luôn tìm hiểu thị trường để thay đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Với khu vườn trồng các loại cây lâu năm, trang trại đầu tư theo hướng xen canh, gối vụ các loại cây ăn trái ngắn ngày để tạo nguồn vốn quay vòng. Hằng năm gia đình có thu nhập hơn một tỷ đồng từ trang trại.
Chủ tịch UBND xã Đông Sang Phạm Văn Giang cho biết: Hiện xã có hàng trăm gia đình phát triển hiệu quả kinh tế trang trại theo các mô hình cây – con và trang trại kết hợp du lịch, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi hộ. Có những hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng/năm. Năm 2018, toàn xã có 108 ha rau màu với giá trị sản xuất đạt 500 triệu đồng/ha; riêng cây ăn quả các loại hiện có 696,1 ha, trong đó đã cho thu hoạch là 383,1 ha. Các loại cây mận, nhãn ghép, vải, chuối, mơ, chanh leo… đang trở thành những nông sản có thế mạnh của địa phương, chủ yếu do các trang trại cung cấp.
Tại Mộc Châu, cùng với các mô hình trang trại kinh tế tập thể, trang trại do các doanh nghiệp đầu tư như trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm, trang trại dâu tây Chimi Farm, trang trại hoa cảnh Cao Nguyên, vườn hoa lan dâu tây Tun Sơn…, ngày càng xuất hiện nhiều trang trại của hộ nông dân, đầu tư mở rộng canh tác theo hướng đa canh, phát triển theo xu hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ, cho thu nhập cao. Trong đó, tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn như Chiềng Khừa, Chiềng Sơn…, chính quyền địa phương một mặt vận động các doanh nghiệp đầu tư, mặt khác thay đổi cơ chế, chính sách phù hợp, tích cực hỗ trợ sản xuất để các hộ nông dân có cơ hội tích tụ đất đai, liên kết phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn. Nhờ đó, thời gian qua, nông sản của huyện đã phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cần chính sách quản lý phù hợp
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế trang trại trên phạm vi cả nước đang phát triển mạnh, đạt giá trị cao trên một đơn vị diện tích đất; tạo ra các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, hỗ trợ việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Tại các địa phương như Hà Nam, Nam Ðịnh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai… đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao. Đến nay cả nước có khoảng 150 nghìn trang trại với diện tích đất sử dụng hơn 900 nghìn ha. Trong đó, các trang trại chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3%; chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 10,3%; lâm nghiệp chiếm 2,2%; nuôi trồng thủy sản chiếm 27,3% và sản xuất, kinh doanh tổng hợp chiếm 4,9%. Đáng chú ý, có 35.500 trang trại phát triển theo hướng quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất ra lượng nông sản hàng hóa lớn.
Tuy nhiên, phần lớn trang trại hiện nay sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu thông tin về thị trường nông sản, khoa học kỹ thuật và quản lý; thiếu vốn sản xuất để phát triển lâu dài. Do sản xuất tự cung, tự cấp, bị động cho nên người dân thường xuyên bị thiệt hại khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích hộ nông dân sản xuất trang trại tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, trong đó cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến và dịch vụ nông nghiệp.
Về lĩnh vực đất đai, Chính phủ đã có Nghị quyết 03/2000/NQ-CP, là quy định pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, sau hơn 18 năm thực hiện, đến nay, một số quy định đã lạc hậu, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng áp dụng cho kinh tế trang trại trong điều kiện hiện nay. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ cho kinh tế trang trại nhưng những chính sách này lại nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, rất khó áp dụng, phổ biến. Bên cạnh đó, hiện đã có quy định về tiêu chí, thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, tạo điều kiện để chủ trang trại được vay vốn không phải thế chấp theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có điều, thực tế đưa vào áp dụng, chính quyền và chủ trang trại gặp nhiều khó khăn vì tiêu chuẩn quá cao, chỉ số ít trang trại áp dụng được, như doanh thu của trang trại chăn nuôi phải đạt từ một tỷ đồng/năm trở lên mới được cấp giấy chứng nhận trang trại; đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 700 triệu đồng/năm…
Theo Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhưng việc nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh như đất đai, nguồn vốn, khoa học – công nghệ, thông tin thị trường… nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận trang trại còn chậm. Đây đang là trở ngại, khiến nhiều chủ trang trại có năng lực về tài chính cũng chưa dám đầu tư lâu dài, ổn định. Do đó, Nhà nước cần sớm có chính sách đặc thù nhằm cơ cấu lại kinh tế trang trại phù hợp; nâng cao hiệu quả thị trường tiêu thụ nông sản, tăng cường công tác dự báo cung, cầu nhằm tránh tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người dân. Một vấn đề quan trọng hiện nay là cần phát triển kịp thời ngành công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản thông qua các hình thức liên kết, đầu tư của doanh nghiệp để khắc phục những rủi ro sau thu hoạch cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản trong sản xuất và tiêu thụ…
Theo Nhandan
Ý kiến ()