Thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ Thừa Thiên-Huế ra đến Thanh Hóa) tập trung phát triển nhanh cây cao-su, bước đầu góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, để cây cao-su phát triển bền vững, chịu được sự khắc nghiệt của thiên tai, đòi hỏi người trồng cao-su cần tuân thủ sự hướng dẫn của các nhà khoa học và chỉ đạo của các cơ quan quản lý.
Hiệu quả kinh tế cao
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc trồng cây cao-su ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là có quy hoạch theo chủ trương của Chính phủ, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia vào quy hoạch tổng thể. Trên cơ sở đó, các địa phương đã triển khai thực hiện thông qua các nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh theo các đề án và quy hoạch chi tiết. Tính đến nay, diện tích trồng cây cao-su ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã vượt quy hoạch, với 80.470 ha cao-su theo mô hình đại điền và tiểu điền. Diện tích cây cao-su tăng nhanh là do cao-su tiểu điền phát triển vượt ra ngoài sự kiểm soát của địa phương, nhất là giai đoạn từ năm 2009 đến 2011, khi giá cao-su đạt mức cao kỷ lục (120 triệu đồng/tấn).
Tại tỉnh Quảng Trị, từ năm 1948, người Pháp đã trồng thử nghiệm cây cao-su ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Năm 1959 – 1960, Trung ương có chủ trương trồng và phát triển cây cao-su trên địa bàn và một số nông, lâm trường tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, như Nông trường Bến Hải, Nông trường Quyết Thắng (Quảng Trị), Nông trường Việt Trung (Quảng Bình). Ở Quảng Trị, sau 54 năm, kể từ khi cây cao-su xuất hiện đến nay đã chứng minh rất rõ, trồng cây cao-su có ưu điểm cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Với giá trung bình khoảng 50 triệu đồng/tấn mủ cao-su, mỗi năm tỉnh thu về hơn 500 tỷ đồng từ cao-su, chiếm gần 10% GDP nông nghiệp, tạo việc làm cho gần 20 nghìn lao động nông thôn, mở ra ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu cho các nhà máy chế biến cao-su trên địa bàn.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Quảng Trị Văn Lưu cho biết: Những năm qua, trên “vùng đất chết” thuộc các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Hướng Hóa do chiến tranh tàn phá nặng nề, nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của miền trung, ít mưa, nhiều nắng nóng và gió Lào, Công ty Cao-su Quảng Trị đã đưa vào trồng thử nghiệm và thành công đối với cây cao-su, từ gần 4.000 ha trong những năm đầu, đến nay toàn vùng đã có hơn 10.000 ha cao-su tiểu điền. Cao-su đã trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình, tạo tiền đề vững chắc trong xây dựng nông thôn mới ở vùng gò đồi.
Thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) được xem là một trong những địa phương đầu tiên ở Quảng Trị thành công từ mô hình trồng cây cao-su trên vùng gò đồi. Theo thống kê, trong số 78 hộ dân ở làng Tân Thủy có 30% số hộ có thu nhập bình quân hơn hai triệu đồng/ngày; 70% số hộ thu nhập từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/ngày. Cách đây hơn 10 năm, theo Chương trình 327 (Dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc), những nông dân đầu tiên của xã Vĩnh Thủy và một số xã khác trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đặt chân lên mảnh đất này với tinh thần khai hoang, phục hóa phát triển kinh tế vùng gò đồi. Giờ đây, ước mơ chinh phục gò đồi của những nông dân “chân lấm tay bùn” đã trở thành hiện thực. Nhìn vào những lô cao-su trải dài ngút ngàn đang vào kỳ thu hoạch, ít ai nghĩ, nơi đây là một vùng kinh tế mới hồi sinh mà thu nhập từ cây cao-su đã đưa nhiều gia đình trở thành triệu phú… Ông Nguyễn Văn Dương, người đang có 4 ha cao-su vào kỳ khai thác, với sản lượng 22 tấn mủ nước/năm, cho thu nhập mỗi năm 350 triệu đồng, cho biết: “Ðể có được nhà cửa khang trang và thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, vợ chồng tôi đã khai hoang, vỡ đất từng mỏm đồi để trồng cao-su và san lấp các triền đất bên khe suối trồng lúa và các loại cây hoa màu khác. Cơn bão số 10 vừa qua đã làm gãy, đổ một số cây cao-su, gia đình đã chặt tỉa những cây bị gãy, dựng lại những cây bị đổ. Qua nhiều năm chọn lựa cây trồng, chúng tôi thấy không có loại cây nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây cao-su, cho nên vẫn xác định trồng cây cao-su ở vùng đất mới…”.
tled-15 copy.jpg” border=”0″ width=”440″ height=”270″ />
Vườn cao-su mới trồng ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Cường khẳng định: Cây cao-su đã góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ gia đình khấm khá lên nhờ vườn cao-su. Vì vậy cần phát triển cây cao-su theo quy hoạch, theo hướng an toàn, bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Quốc Khánh: “Hà Tĩnh xem cây cao-su là cây mũi nhọn kinh tế, bởi từ ngày cây cao-su về trên đất Hà Tĩnh đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động ở những vùng nông thôn, miền núi khó khăn giúp cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 đạt 20 nghìn ha cao-su, đúng với tinh thần Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh đề ra”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết: Hiệu quả thực tế từ cây cao-su có thể khẳng định chủ trương mở rộng và phát triển cây cao-su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Mở rộng diện tích trồng cây cao-su sẽ khai thác được tiềm năng lợi thế, hình thành vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo…
Giải pháp phát triển bền vững
Các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở ra Thanh Hóa có tiềm năng đất đai và nhân lực lớn, nhất là khu vực dọc đường Hồ Chí Minh và các vùng gò đồi rộng lớn miền tây. Do đó, các địa phương đều xác định cao-su là cây công nghiệp chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Theo Cục Trồng trọt, để tiếp tục phát triển trồng cây cao-su một cách hiệu quả, bền vững, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao-su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Theo đó, chủ trương tiếp tục trồng mới 20 nghìn ha cây cao-su ở vùng Bắc Trung Bộ, bảo đảm ổn định diện tích cao-su ở vùng này khoảng 80 nghìn ha vào năm 2015. Tuy nhiên đến năm 2012, diện tích cây cao-su thực tế ở vùng này đã lên đến 80 nghìn ha, năm 2013 tăng lên 82 nghìn ha. Một số tỉnh, diện tích cao-su năm 2013 đã đạt quy hoạch đến năm 2015, gồm Thanh Hóa, Quảng Trị, thậm chí Quảng Bình và Hà Tĩnh đã vượt xa quy hoạch định hướng đến năm 2015 (tỉnh Hà Tĩnh vượt hơn 2.000 ha, Quảng Bình vượt hơn 4.000 ha). Riêng tỉnh Quảng Trị, diện tích cây cao-su hiện nay trên địa bàn hơn 19.000 ha. Diện tích cây cao-su các địa phương đưa vào quy hoạch và phát triển đến năm 2020 là 38.000 ha, trong giai đoạn 2011 – 2015 là 23.400 ha. Những thiệt hại về cây cao-su do bão số 10 gây ra là bài học quý, các tỉnh cần điều chỉnh quy hoạch và có định hướng phát triển cây cao-su sao cho phù hợp với thời thiết, khí hậu của từng vùng đất.
Ðể bảo vệ rừng cao-su trong mùa mưa bão, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðán cho biết: Nguyên nhân chính khiến số lượng lớn cây cao-su bị gãy, đổ do bão số 10 là vì người trồng chỉ chú trọng đến mở rộng diện tích mà không tạo vành đai chắn gió cho vườn cao-su. Mật độ cây trồng quá dày tạo nên sức cản gió lớn khiến cây dễ bị gãy, đổ khi gặp bão. Một số hộ dân khai thác cao-su chạy theo lợi nhuận, cho nên cạo mủ theo kiểu “vắt kiệt” khiến cây cao-su yếu, không đủ sức chống chịu trước gió bão…
Ðể cây cao-su ở các tỉnh Bắc Trung Bộ phát triển bền vững, cần chọn các loại giống chỉ trong thời gian ngắn đã có thể khai thác, với sản lượng mủ cao, chịu được sức gió. Thay đổi quy trình kỹ thuật trồng cây, từ trồng hàng song song sang trồng hàng dọc theo hướng gió đông từ biển thổi vào, để tạo khoảng trống cho gió lùa. Ở những vùng không kín gió sẽ không để cây cao-su phát triển quá cao, có thể cắt ngọn khi cây đã lên từ 2 đến 3 m. Tuân thủ nghiêm đúng quy định kỹ thuật trồng bờ lô chắn gió, có thể trồng phi lao đủ độ dày hoặc những loại cây thân vững chắc, chịu được sức gió mạnh…
Ông Phan Thành Dũng ở Viện Nghiên cứu Cao-su Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất và kinh nghiệm về phát triển cây cao-su như: Ưu tiên phát triển cây cao-su cách bờ biển khoảng từ 40 đến 50 km và ở vùng kín gió có núi che chắn. Mật độ cây trồng dao động từ 500 đến 727 cây/ha, sử dụng các giống có khả năng chống, chịu gió đã qua thử thách trong vùng như RRIC 100, RRIC 211, RRIM 712, RRIm 600 và GT 1. Quản lý giống chặt chẽ về chất lượng và bảo đảm đúng giống theo khuyến cáo. Lựa chọn cây con có hai tầng lá để trồng, ưu tiên dạng tum bầu, trồng âm so với mặt đất 20 cm. Thiết lập đai chắn gió nhiều tầng với sự kết hợp các loại cây như tràm hoa vàng, keo lai, phi lao và các cây bụi tầng thấp…
Ðể vườn cao-su mang lại nguồn “vàng trắng” cho mình, hơn ai hết chính người trồng cao-su cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cũng như tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khi trồng đến khi khai thác. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các tỉnh cần giúp đỡ, hỗ trợ người dân vượt qua thời kỳ khó khăn trước mắt, từng bước khôi phục lại vườn cao-su sau bão.
Ý kiến ()