tle=”Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm dịch vụ hậu cần sau cảng”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Bốc xếp công-ten-nơ tại tân cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụm cảng Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc nhóm cảng biển số 5, là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế cho hàng tổng hợp, tàu công-ten-nơ 100 nghìn tấn, có khả năng thông qua hàng chục triệu tấn hàng hóa/năm… Đây là cơ sở để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển mạnh các loại hình dịch vụ hậu cần sau cảng (logistics), hình thành một trung tâm logistics của khu vực.
Tiềm năng phát triển dịch vụ logistics
Trong số hơn 50 dự án cảng đã đăng ký với tổng vốn đầu tư hơn 134 nghìn tỷ đồng, đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 21 dự án cảng đi vào hoạt động, tổng công suất thông qua khoảng 60 triệu tấn hàng hóa/năm, tập trung chủ yếu ở khu vực sông Thị Vải – Cái Mép. Hệ thống cảng nước sâu tại khu vực này thời gian qua đã đón nhiều tàu mẹ của các hãng tàu quốc tế lớn có trọng tải lên tới hơn 100 nghìn tấn. Đây là lợi thế không phải địa phương nào cũng có được. Theo chuyên gia kinh tế, PGS, TS Võ Đại Lược, hệ thống cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có tầm quan trọng bậc nhất Việt Nam, tiếp cận tuyến hàng hàng hải quốc tế, liên thông với hệ thống cảng biển Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh,tạo thành một hệ thống cảng liên hoàn gắn với những trung tâm kinh tế phát triển năng động, với vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, với các khu du lịch sinh thái hấp dẫn…
Cũng theo các chuyên gia hàng đầu về cảng biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có sông Thị Vải – Cái Mép và sông Dinh, là hai tuyến vận tải thủy quan trọng tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Với vị trí địa lý thuận lợi, Bà Rịa – Vũng Tàu hội đủ điều kiện để trở thành điểm trung chuyển hàng hóa và thực hiện các dịch vụ logistics của khu vực. Tiềm năng, lợi thế về dịch vụ cảng, dịch vụ logistics sẽ ngày càng phát triển khi các dự án quan trọng, như: đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, quốc lộ 51 mở rộng, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Vũng Tàu, đường sắt TP Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành…, được đầu tư đồng bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Minh Sanh cho biết, để phát triển dịch vụ cảng và dịch vụ logistics, Bà Rịa – Vũng Tàu đã dành quỹ đất khoảng 800 ha tại khu vực Cái Mép hạ, đồng thời quy hoạch phát triển 26 dự án cảng thủy nội địa, dịch vụ kho bãi với tổng diện tích gần 1.100 ha. Tính chung, tổng diện tích đất Bà Rịa – Vũng Tàu dành cho phát triển dịch vụ logistics là khoảng 2.000 ha. Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tập trung quy hoạch phát triển hệ thống các đô thị, như: TP Vũng Tàu, đô thị Phú Mỹ, thị xã Bà Rịa, kết nối các đô thị này với nhau trong một không gian kinh tế thống nhất, tạo thành tuyến hành lang kinh tế – công nghiệp – cảng biển đồng bộ, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng trong tương lai.
Hướng tới trung tâm dịch vụ logistics của khu vực
Tuy nhiên, có một thực tế trong suốt nhiều năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ tập trung phát triển hệ thống cảng biển, chưa quan tâm phát triển và khai thác hiệu quả các loại hình dịch vụ logistics. Nhiều doanh nghiệp logistics của tỉnh hiện chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp vệ tinh, như: cho thuê kho bãi, làm đại lý hải quan, hoặc một vài dịch vụ đơn lẻ trong chuỗi các hoạt động logistics. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, nhưng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, khái niệm logistics vẫn còn mới mẻ. Các doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức và đầy đủ về các giá trị vô hình, hàm lượng chất xám, công nghệ trong hoạt động logistics. Nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh về logistics chưa đầy đủ, kịp thời. Theo TS Nguyễn Tương (Bộ Giao thông vận tải), đến năm 2012 và muộn nhất là 2014, các doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để kinh doanh các dịch vụ liên quan hoạt động logistics (ngoại trừ vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt). Đây là một thách thức lớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Bởi hầu hết các doanh nghiệp trong nước là các doanh nghiệp nhỏ. Năng lực cung cấp dịch vụ logistics trọn gói còn nhiều hạn chế, hầu như không có một nhà cung cấp dịch vụ nào có khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên toàn lãnh thổ Việt Nam kết nối với thị trường quốc tế, với chi phí cạnh tranh.
Việc ra đời và phát triển mạnh hệ thống cảng trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có hệ thống cảng nước sâu trên sông Thị Vải, tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển mạnh của các loại hình dịch vụ logistics. Nhưng nếu logistics và dịch vụ cảng biển không được quan tâm thích đáng, phát triển chậm và không theo kịp sự phát triển nhanh của hệ thống cảng biển giai đoạn hiện nay thì Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng lĩnh vực phát triển quan trọng này mà mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo hướng nâng cao tỷ trọng dịch vụ sẽ không như mong muốn. Thực tế đã chứng minh, dù hàng loạt các dự án cảng đã ra đời, nhưng khối lượng hàng hóa thông qua cảng thời gian qua vẫn rất khiêm tốn. Trần Khánh Sinh, Giám đốc Cảng Tân cảng Cái Mép, một trong những cảng nước sâu hiện đại nhất khu vực, cho biết: Dù giai đoạn 2 dự án xây dựng Tân cảng Cái Mép đã hoàn thành nhưng lượng hàng hóa thông qua cảng vẫn chiếm chưa đến một phần ba công suất thiết kế. Trong đó chỉ có 10% lượng hàng phục vụ đối tác trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, còn lại 90% là của khách hàng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Điều đó thể hiện những bất cập trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu, khi các loại hình công nghiệp nhẹ như: công nghiệp chế biến, đặc biệt là công nghiệp lắp ráp điện tử, có tác động tương hỗ với kinh tế cảng biển, tận dụng thế mạnh ưu việt của cảng biển và dịch vụ logistics, chưa được quan tâm đúng mức. Kéo theo đó là những hạn chế về nguồn hàng.
Tại Diễn đàn logistics và dịch vụ cảng biển Việt Nam vừa được tổ chức mới đây tại TP Vũng Tàu, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã đánh giá cao những lợi thế, tiềm năng của Bà Rịa – Vũng Tàu trong phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics. Có người đã so sánh hệ thống cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu với nhiều cảng trung chuyển quốc tế hiện đại, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, những bất cập trong phát triển và khai thác lợi thế cảng biển của địa phương cũng được chỉ rõ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những yếu kém về hạ tầng, về nguồn nhân lực, về sự lỏng lẻo trong liên kết giữa các địa phương dẫn tới cơ cấu ngành công nghiệp của cả khu vực phát triển tương đối tự phát, độc lập và không liên quan gì với nhau… Giải quyết triệt để được những bất cập trên chính là tiền đề cơ bản để Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế kinh tế cảng biển, trở thành một trong những trung tâm dịch vụ logistics của khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()