Phát triển 1.000 ha sâm Ngọc Linh
Bảo tồn, phát triển danh tiếng, giá trị và thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum là mục tiêu cơ bản được Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum đề ra tại Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2017-2022 được tổ chức tại thành phố Kon Tum chiều 6/10.
Vườn sâm của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: VGP/Trầm Hương |
Ngay từ năm 1999, sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được tỉnh Kon Tum quan tâm bảo tồn, phát triển. Đến năm 2011, sâm Ngọc Linh chính thức được tỉnh xác định là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực. Đến nay, tỉnh đã bảo tồn, trồng được 315,73 ha sâm Ngọc Linh (trong đó Nhà nước đầu tư 15,73 ha; tư nhân khoảng 300 ha) và hiện nay đang khẩn trương tổ chức sản xuất sản phẩm để đưa ra thị trường.
Giá trị kinh tế và dược liệu đặc hữu, quý hiếm của cây sâm Ngọc Linh đã được khẳng định và công nhận. Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia tại Quyết định số 787/QĐ-TTg. Sâm Ngọc Linh đã được Nhà nước cấp giấy đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ vào ngày 16/8/2016. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi, mở ra thời cơ để phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum xứng tầm với giá trị vốn có.
Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn giống và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, kiểm định, nhận dạng và xử lý các hành vi gian lận trong sản xuất, kinh doanh.
Toàn cảnh đại hội. Ảnh: VGP/Trầm Hương |
Tại Đại hội, Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu đến năm 2022 phát triển được 1.000 ha sâm trồng theo quy hoạch, bảo đảm tính chất, chất lượng sâm củ theo tiêu chuẩn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”.
Cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước các sản phẩm sâm củ và từ 3-5 loại sản phẩm chế biến từ sâm củ mang chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Hội cũng đề ra mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Việt Nam đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Để đạt được mục tiêu trên, một số giải pháp đã được đưa ra như xây dựng tổ chức Hội bảo đảm hoạt động hiệu quả; phát triển diện tích trồng sâm của hội viên trong vùng quy hoạch theo mục tiêu đề ra; tư vấn, hỗ trợ hội viên trong việc lựa chọn giống, áp dụng quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến bảo đảm chất lượng sâm củ; hỗ trợ hội viên vay vốn mở rộng diện tích trồng sâm; tiếp thu công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến.
Ngoài ra, Hội sẽ quản lý, sử dụng có hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và “Nhãn hiện chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum” cho sâm củ và sản phẩm chế biến; xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển danh tiếng và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. Tham gia với các cơ quan Nhà nước trong xây dựng các văn bản pháp luật và quản lý; đấu tranh ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến danh tiếng và giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()