Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nghị định gồm 8 chương, 75 Điều quy định rõ về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong đó, đáng chú ý, Nghị định đã quy định cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình như: Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ hoặc lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để trốn tránh nghĩa vụ tài sản.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cho, nhận con nuôi khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản không chấp nhận việc cho, nhận con nuôi; sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký cho, nhận con nuôi. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc, đe dọa để có sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi; làm dịch vụ môi giới cho hoặc nhận con nuôi trái pháp luật; lợi dụng việc nhận con nuôi nhằm bóc lột sức lao động…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/11/2013 và thay thế Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 6/2/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.
Ý kiến ()