Phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc: Cầu nối Đảng với Dân
LSO- Những năm qua, các chương trình phát thanh, truyền hình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) do Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) Lạng Sơn sản xuất đã đáp ứng nhiệm vụ chính trị, trở thành cầu nối tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến nhân dân.
Không có điều kiện sắm sửa ti-vi, nhưng ngày nào chị Lầu Thị Khương, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn cũng theo dõi đầy đủ các chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Theo chị Khương, từ những chương trình này, chị đã thay đổi nhận thức, xóa bỏ mê tín dị đoan, hạn chế du canh du cư… Ngoài ra, chị còn nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, từ đó vận động bà con trong thôn, xã nghiêm chỉnh làm theo.
Cùng với chương trình phát thanh, các chương trình truyền hình bằng tiếng Tày – Nùng, tiếng Dao và tiếng phổ thông dành cho đồng bào DTTS luôn được đông đảo nhân dân đón nhận. Đồng thời coi đây là người bạn thân thiết của mình. Anh Hoàng Văn Sláy, xã Tân Tác, huyện Văn Lãng chia sẻ: đón xem các chương trình phát thanh, truyền hình không chỉ để giải trí, từ những mô hình kinh tế giỏi, gương người tốt việc tốt, chúng tôi đã học theo để từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tác nghiệp
Chị Nông Thị Hảo, Phó Trưởng phòng Chương trình tiếng dân tộc, Đài PT-TH tỉnh cho biết: Mặc dù phòng mới được thành lập từ năm 2011 nhưng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc đã được sản xuất và phát sóng từ hàng chục năm nay. Hiện tại, phòng đang thực hiện các chương trình phát sóng bằng 2 thứ tiếng là Tày – Nùng và Dao, với thời lượng 30 phút/ chương trình. Khung giờ phát sóng cho các chương trình truyền hình vào lúc 4 giờ 50 phút chiều các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần (phát lại vào các ngày hôm sau), chương trình phát thanh vào lúc 10 giờ trưa (các ngày thứ 2, 4, 6, 7, chủ nhật) và 7 giờ tối (các ngày thứ 3, 4). Nội dung thực hiện phong phú trên mọi lĩnh vực gồm: chính trị, văn hóa, kinh tế, an ninh trật tự, giá cả thị trường…
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình tiếng dân tộc, hiện nay, phòng còn tham gia sản xuất 3 chuyên mục bằng tiếng phổ thông, liên quan trực tiếp đến đời sống đồng bào các dân tộc gồm chuyên mục “Thông tin thị trường vùng cao”, “Tiếng nói từ thôn bản” và “Văn hóa dân tộc”. Từ đầu năm đến nay, phòng đã thực hiện và phát sóng 100 bài chuyên mục; 132 chương trình truyền hình và 330 tin phát thanh tiếng Dao. Đặc biệt, sau khi nhận được những phản hồi tích cực từ nhân dân về hiệu quả thiết thực của các chương trình, từ tháng 9/2015, thời lượng phát sóng các bài chuyên mục đã được tăng từ 2 số/ tháng lên 4 số/ tháng.
Chị Vương Thị Mai Loan, phóng viên phòng Chương trình tiếng dân tộc, Đài PT-TH tỉnh chia sẻ: là phóng viên chuyên về công tác dân tộc, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là đường sá xa xôi, đồ nghề cồng kềnh khiến việc di chuyển không đơn giản. Việc tiếp xúc với bà con bằng tiếng dân tộc cũng là một rào cản lớn trong việc tiếp nhận thông tin. Vì vậy, mỗi phóng viên, biên tập viên đều tự trau dồi vốn tiếng dân tộc của mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Có thể thấy, các chương trình với nội dung phong phú, kết cấu gọn nhẹ, lời dịch dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của đông đảo nhân dân.
Ngoài ra, hiện tại phòng còn phối hợp với VTV5- Đài Truyền hình Việt Nam phát số lượng 8 chương trình/ tháng. Chất lượng nội dung của các chương trình được khẳng định qua việc chương trình PT-TH tiếng dân tộc của Đài PT-TH tỉnh Lạng Sơn được xếp top đầu trong các đài khu vực miền núi Đông Bắc. Nhiều phóng sự, chuyên đề như “Lời Pả Duy vẫy gọi” (dân ca của dân tộc Dao), “Ngọt ngào làn điệu dân ca của dân tộc Tày – Nùng” được nhận bằng khen của Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.
Có thể thấy, các chương trình tiếng dân tộc phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với bà con một cách dễ dàng, góp phần nâng cao dân trí, kịp thời cổ vũ, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động, phát triển kinh tế – xã hội.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()