Phát tán clip nam sinh nhảy lầu: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ truy tìm người phát tán clip nam sinh trường chuyên nhảy lầu và bức thư nạn nhân gửi bố mẹ để xử lý theo quy định pháp luật.
Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc một học sinh trường chuyên ở Hà Nội viết thư gửi bố mẹ và nhảy từ tầng 28 xuống đất, tử vong vào ngày 1/4.
Vụ việc thương tâm chưa kịp dịu xuống thì hàng loạt clip ghi lại khoảnh khắc nam sinh nhảy qua ban công được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm theo hình ảnh bức thư liên tục được lan truyền trên mạng xã hội.
Về việc này, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an thành phố phối hợp cùng Công an quận Hà Đông truy tìm người phát tán clip và bức thư gửi bố mẹ của nam sinh để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Công an thành phố Hà Nội, đây là vụ việc đau lòng, việc phát tán clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh này lên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến những người thân của nạn nhân.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với báo chí, tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh.
Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó cho phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 (Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015).
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp người nhà nạn nhân không đồng ý, mà cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng những thông tin hình ảnh này trên không gian mạng thì người đã sử dụng thông tin hình ảnh này phải gỡ bỏ hoặc phải che mờ, mã hóa.
Trường hợp gia đình đã yêu cầu rồi nhưng tổ chức, cá nhân vẫn không thực hiện thì hành vi này có thể bị phạt hành chính đến 60 triệu đồng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Phong, Đại học Nội vụ Hà Nội bày tỏ ám ảnh, đau xót là cảm xúc của nhiều người khi xem hình ảnh cuối cùng về cậu bé nhảy lầu sau khi để lại bức thư gửi bố mẹ. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nhiều người dùng mạng xã hội cho mình quyền phán xét về vụ việc khiến người thân của cậu bé thêm đau lòng.
Đặc biệt, cho dù là những hình ảnh, clip lan truyền trên mạng xã hội mang nghĩa cảnh tỉnh đi chăng nữa thì cũng cần khép lại bởi môi trường cuộc sống, giáo dục cần những hình ảnh đẹp, hành động đẹp lan tỏa để khỏa lấp những thông tin tiêu cực, đau lòng.
Ở góc độ giáo dục, tiến sỹ Nguyễn Văn Phong cho biết thêm khi những sự việc đau lòng xảy ra, nhà trường, phụ huynh mới giật mình hối hận vì chưa kịp quan tâm sâu sắc, hiểu hơn tới con em mình.
Do đó, để giảm thiểu, ngăn chặn những vụ việc thương tâm tương tự xảy ra, các bậc phụ huynh và nhà trường cần thay đổi suy nghĩ và hành động, thay đổi phương pháp giáo dục để luôn đồng hành bên con, thực sự là người bạn để có tiếng nói chung; phải lấy con em, học sinh làm trung tâm, tùy vào hoàn cảnh, từng đối tượng mà có phương pháp giáo dục khác nhau, tránh gây áp lực cho con trẻ./.
Ý kiến ()