Phạt nhà mạng một triệu đồng với mỗi thuê bao đăng ký thông tin sai
Đây là quy định mới nhằm thắt chặt việc quản lý SIM di động trả trước được đưa ra tại Nghị định 49 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện vừa được Chính phủ ban hành.
Quản lý chặt thông tin thuê bao trả trước
Mức phạt 30-40 triệu đồng cũng áp dụng đối với các hành vi bán SIM di động mà không được doanh nghiệp viễn thống ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu; Bán, lưu thông trên thị trường thiết bị đầu cuối không dùng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao; Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định phạt từ 800.000 đồng-1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao đối với doanh nghiệp viễn thông (tổng số tiền phạt không quá 200 triệu đồng) nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin không đúng; thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định.
Nhà mạng sẽ bị phạt từ 80-100 triệu đồng nếu chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền; Không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định; Không cung cấp phương thức tự kiểm tra thông tin thuê bao hoặc cung cấp thông tin cho chủ thuê bao tự kiểm tra nhưng không đầy đủ…
Ngoài ra, nhà mạng bị phạt từ 180-200 triệu đồng nếu không xây dựng hệ thống kỹ thuật để quản lý, lưu giữ thông tin thuê bao theo quy định; Không lưu giữ hoặc lưu giữ không đầy đủ thông tin thuê bao; không rà soát, kiểm tra thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu theo quy trình nội bộ.
Nghị định này có hiệu lực từ 24/4, song có điều kiện chuyển tiếp. Theo đó, trong ba tháng kể từ ngày có hiệu lực, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; Rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ SIM đã được phân phối cho đại lý. Sau mốc thời gian này, toàn bộ hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử phạt được thực hiện theo quy định mới này…
Đây có thể xem là biện pháp rắn để quản lý tốt hơn thị trường SIM di động, tránh tình trạng SIM rác tràn lan. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định tình hình như ăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp xử lý SIM kích hoạt sai quy định. Tính tới cuối tháng Hai, đã có gần 20 triệu SIM rác bị thu hồi.
Bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký 3 SIM
Ở một góc khác, Nghị định 49 cũng đã bỏ quy định mỗi cá nhân chỉ được đăng ký không quá 3 SIM trả trước/mạng.
Điều 1 của Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Theo đó, đối với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử xác nhận thông tin thuê bao.
Đối với số thuê bao thứ tư trở lên, người dùng phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động.
Trong khi đó, doanh nghiệp viễn thông sẽ bị phạt từ 80-100 triệu đồng nếu không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu đối với cá nhân sử dụng nhiều hơn 3 số thuê bao di động trả trước.
Trước đó, vào tháng 10/2015, dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về quản lý thuê bao di động trả trước đang được đưa ra lấy ý kiến người dân cũng đưa ra quy định mỗi cá nhân được đăng ký 5 số thuê bao di động trả trước của mỗi nhà mạng.
Với sự bùng nổ của công nghệ, xu hướng Internet of Things, hiện nay SIM điện thoại không chỉ còn phục vụ cho nhu cầu nghe, gọi truyền thống mà còn phục vụ các dịch vụ khác như định vị, công tơ điện tử… Do vậy, sự điều chỉnh này được xem là cần thiết./.
Ý kiến ()