Phát huy vốn hỗ trợ sản xuất
LSO-Thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Văn Lãng đã xây dựng, hỗ trợ được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Người dân xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng thu hoạch khoai tây |
Bà Chu Thị Duyên, thôn Tiền Phong, xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Năm 2015, tôi được hỗ trợ một lợn nái. Đến nay, lợn sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 10 – 12 con, đem lại cho gia đình thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Tôi thấy chương trình hỗ trợ này rất thiết thực và hiệu quả, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập.
Ngoài gia đình bà Duyên, trên địa bàn huyện còn hàng trăm hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Theo đó, từ năm 2015 – 2017, với 2,1 tỷ đồng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã hỗ trợ xây dựng được 10 mô hình gồm: mô hình nuôi lợn sinh sản; chăn nuôi vịt; trồng bưởi Diễn, chanh, rau bò khai, hồng Vành khuyên, hồi, khoai tây… tại các xã: Tân Thanh, Tân Mỹ, Hoàng Văn Thụ, Trùng Quán.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, với phương châm không cào bằng, UBND huyện chỉ đạo các xã nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn mô hình có giá trị, hiệu quả cao để xây dựng. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng của huyện sẽ xem xét, thẩm định dựa vào thực tế, tiềm năng, thế mạnh của từng xã, từng mô hình để hỗ trợ cho phù hợp nhằm xây dựng được các mô hình thiết thực, dễ ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện mô hình của người dân. Đồng thời, hằng năm, các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể huyện phối hợp với các xã duy trì, tổ chức từ 8 đến 10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân…
Minh chứng tiêu biểu nhất trong phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của huyện là xã Trùng Quán. Năm 2017, với 350 triệu đồng vốn hỗ trợ sản xuất; 328 triệu đồng vốn đối ứng, xã đã trồng mới được 16,25 ha bưởi Diễn; 6 ha khoai tây. Ông Lương Văn Kiều, thôn Tồng Kịt, xã Trùng Quán cho biết: Năm 2017, tôi trồng 7 sào khoai tây. Nhờ được hỗ trợ phân bón, gia đình đỡ được một khoản chi phí, từ đó thu nhập cũng được cao hơn. Đặc biệt, do được tập huấn hướng dẫn trồng theo đúng quy trình nên 1 sào khoai tây tôi thu được 8 tạ đến 1 tấn củ (tăng 1 – 2 tạ so với những năm trước).
Các mô hình sản xuất được hỗ trợ của xã Trùng Quán đều cho hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống người nông dân. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, (tăng 8 triệu đồng so với năm 2013).
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện còn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản địa phương… Ông Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã dành 1 tỷ đồng để thực hiện “Dự án mở rộng diện tích, hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống đầu dòng và quảng bá sản phẩm quả hồng Vành khuyên”. Theo đó, để nâng cao năng suất, chất lượng hồng Vành khuyên, huyện đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh áp dụng quy trình VietGap trên diện tích 50 ha cho Tổ hợp tác sản xuất hồng Vành khuyên Nà Mò và Hợp tác xã Thanh Tân, xã Tân Mỹ; trồng mới 15 ha hồng Vành khuyên tại xã Tân Mỹ; bình tuyển và lựa chọn được 6 cây giống đầu dòng; thiết kế bao bì mang nhãn hiệu bảo hộ… Vì vậy, chất lượng hồng tiếp tục được nâng lên.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2017 đạt 22,4 triệu đồng/người/năm, tăng 10,3% so với năm 2012. Thời gian tới, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, huyện sẽ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Tân Lang, đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình đã thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng NTM theo hướng bền vững.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()