Phát huy vai trò xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
- Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh luôn giữ vai trò trung tâm đoàn kết và tập hợp các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh. Để đánh giá toàn diện hơn các kết quả MTTQ tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, phóng viên Báo Lạng Sơn đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
![Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/202408/medium/477545_7401_16110705.jpg?id=477545)
Phóng viên: Thưa đồng chí, đồng chí có thể cho biết một số kết quả trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng: Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, thống nhất với các tổ chức thành viên, tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên đề để quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Đồng thời tiếp tục triển khai Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn”, phối hợp với các cơ quan báo chí nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân.
Thực hiện các kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận trong công tác dân tộc và tôn giáo, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các cấp bám sát địa bàn cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình dư luận trong Nhân dân; chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động các tầng lớp Nhân dân, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các vị chức sắc tôn giáo, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số được gần 3.000 suất quà, trị giá gần 2,5 tỷ đồng.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11 hằng năm) được tổ chức ở khu dân cư đã đi vào nền nếp, trở thành nhu cầu thiết thực của người dân với nhiều hoạt động phong phú, sinh động. Số khu dân cư tổ chức được cả phần lễ và phần hội tăng 11,06%; nhiều công trình, nhà đại đoàn kết được xây dựng, bàn giao, nhiều phần quà được trao tặng như: 207công trình dân sinh được xây dựng; 281 nhà đại đoàn kết được xây mới; sửa chữa 55 nhà đại đoàn kết; trao tặng 65 nhà đại đoàn kết... Trong nhiệm kỳ có 3.214 tập thể, 28.974 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng trong ngày hội. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành của Trung ương và địa phương về dự ngày hội đã tăng thêm tinh thần đoàn kết, gần dân, trọng dân làm cho mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo với Nhân dân ngày càng gần gũi.
![Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, trò chuyện với Nhân dân thôn Trà Ký và thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 (ẢNH: HOÀNG HUẤN)](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/202408/medium/477544_7400_16110505.jpg?id=477544)
Thông qua các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Kết quả, toàn tỉnh đã vận động Nhân dân ủng hộ xây dựng nông thôn mới được trên 500 tỷ đồng; hiến trên 1 triệu m2 đất, đóng góp gần 800.000 lượt ngày công lao động. Hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 147 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 55 vườn mẫu; 88/102 thôn đặc biệt khó khăn khu vực biên giới đạt chuẩn nông thôn mới. Thông qua các chương trình đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) của tỉnh bình quân 3,28%/năm; số hộ đạt gia đình văn hóa tăng 6,19%; “Khu dân cư văn hóa”, tăng 6,88% so với đầu nhiệm kỳ.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nhiều phong trào thi đua của các tổ chức thành viên tiếp tục được quán triệt chỉ đạo và triển khai hiệu quả, trở thành sức mạnh nội sinh góp phần động viên đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thi đua phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Phóng viên: Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ tỉnh đã đề ra 9 chỉ tiêu và thực hiện 3 nhiệm vụ phát sinh mới, chưa có tiền lệ. Xin đồng chí đánh giá kết quả thực hiện cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ đột xuất này?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng: Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo song MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung thực hiện đạt và vượt 9/9 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đề ra; tổ chức thực hiện có hiệu quả rõ nét 3 nhiệm vụ phát sinh mới, đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn.
Trong đó, thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phát động, kêu gọi, vận động các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng bào các dân tộc, tôn giáo chung sức, đồng lòng ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 được 29,068 tỷ đồng; quỹ vắc-xin phòng COVID-19 được 24,071 tỷ đồng. Từ nguồn ủng hộ đã kịp thời thăm hỏi động viên hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; kịp thời phân bổ tiền, hàng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, góp phần tạo nguồn lực quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và lực lượng tham gia xây dựng công trình đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới khu vực mốc 1296/6, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập
Thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực hỗ trợ công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ký Thư ngỏ phát động đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới. Kết quả, các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hưởng ứng mạnh mẽ và đóng góp, ủng hộ số lượng lớn kinh phí và vật liệu xây dựng; đồng bào các dân tộc biên giới và cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã tham gia ngày công lao động với trên 26 nghìn lượt người. Từ năm 2022 đến nay, tổng số tiền mặt xã hội hóa, ngân sách của tỉnh, vật liệu xây dựng và ngày công lao động quy thành tiền trị giá trên 40 tỷ đồng; xây dựng được 283 đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới với tổng chiều dài trên 53 km. Công trình thứ 283 là công trình chào mừng đại hội cấp tỉnh, khánh thành vào tháng 6/2024.
Thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kêu gọi, vận động và đã ủng hộ tỉnh Điện Biên 1 tỷ đồng để xây dựng 20 căn nhà Đại đoàn kết nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ và cam kết ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo của tỉnh được trên 160 tỷ đồng, tương đương hỗ trợ khoảng 3.200 nhà.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm MTTQ tỉnh sẽ triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2024 - 2029?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng: Trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong thời kỳ mới, MTTQ Việt Nam tỉnh xác định mục tiêu là tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sách mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững. Đại hội xác định 3 nhiệm vụ đột phá, 10 chỉ tiêu và 6 chương trình hành động để Đại hội lần thứ XV thảo luận, thống nhất thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Trên cơ sở đó, hoạt động của MTTQ sẽ phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xác định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để phát huy vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, là phương châm quan trọng quyết định thành công của công tác Mặt trận với mục tiêu là phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong toàn tỉnh, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()