Phát huy vai trò văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch
LSO-Kể từ năm 2008, ngày 19/4 hằng năm được lấy là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg, ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc của nước ta. Đồng thời càng khẳng định rõ nét hơn vai trò của văn hóa các dân tộc trong sự phát triển.
Các hội viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh tham gia đoàn rước kiệu |
Trong bối cảnh quê hương, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay thì văn hóa các dân tộc đã, đang góp phần làm nên bức tranh đa sắc của văn hóa Việt Nam với đặc điểm thống nhất trong sự đa dạng; thực sự là một nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển văn hóa du lịch.
Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh hết sức quan tâm đến công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn tài nguyên quan trọng này. Theo đó, công tác nghiên cứu, phục dựng, trao truyền, quản lý văn hóa các dân tộc, kiểm kê, lập hồ sơ xếp loại các di sản được đẩy mạnh. Song quan trọng hơn đó là sự cộng đồng trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Do đó, công tác trên không ngừng được nâng lên cả về chất và lượng. Tiêu biểu, đến nay, Lạng Sơn vô cùng tự hào vì đã có một số di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định); nghi lễ Then của người Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng) và lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia). Để có được kết quả trên, “phương pháp bảo tồn động” đã được vận dụng tốt, đó là bảo tồn ngay trong đời sống sinh hoạt văn hóa hằng ngày của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư.
Đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn) |
Có thể thấy rằng, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc thành lập được Hội DSVH tỉnh Lạng Sơn (năm 2017); Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc (BTDCCDT) tỉnh (năm 2010) là rất thiết thực. Đáng chú ý như trong đoàn rước kiệu lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) năm nay có thêm sự góp mặt của các hội viên Hội BTDCCDT tỉnh với trang phục dân tộc, thu hút người dự hội. Chị Trần Thanh Mai (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Đoàn rước kiệu năm nay rất đẹp vì có thêm đội hình mặc trang phục dân tộc thật ấn tượng và mang đặc trưng cho lễ hội Lạng Sơn. Hoạt động trên nên được duy trì thường xuyên…
Theo anh Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội BTDCCDT tỉnh, nhằm tuyên truyền, giới thiệu một cách trực quan nhất, năm nay, hội đã đề xuất có thêm đội hình tham gia đoàn rước kiệu lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ. Qua đó, vừa là hưởng ứng các sự kiện văn hóa của tỉnh, vừa góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa lễ hội của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.
Đáng chú ý, việc tạo môi trường thuận lợi cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được tỉnh chú trọng cùng các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phát huy được đẩy mạnh. Cụ thể, ngay đầu năm 2018 có hoạt động đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng (ngày 23 tháng Giêng năm Mậu Tuất) đoạn từ cầu Đông Kinh đến đền Kỳ Cùng rất ấn tượng. Hoạt động đã khắc họa sâu đậm, góp phần quảng bá lễ hội Phài Lừa (xã Hồng Phong, huyện Bình Gia) được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Anh Ngô Quang Thanh (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đến xem đua bè mảng cho biết: Tôi cũng đã xem ở nhiều nơi nhưng thấy đua bè mảng của Lạng Sơn rất hấp dẫn, đặc biệt là phần trình diễn lật bè giữ thăng bằng trên đường đua. Nếu tổ chức được hằng năm chắc chắn sẽ thu hút du khách.
Cùng với đó, việc tổ chức chương trình khai mạc lễ hội Xuân Xứ Lạng gắn với các lễ hội tiêu biểu cũng rất được quan tâm. Năm 2018 này, chương trình được gắn với lễ hội Bủng Kham, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định (ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất).
Có thể thấy, việc chọn địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa hợp lý là rất quan trọng. Ông Hoàng Minh Thắng, Chủ tế trong lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) – lễ hội đã từng được Đài Truyền hình Việt Nam chọn tổ chức chương trình “Làng Việt” năm 2008 cho biết: Nhiều năm gần đây, lễ hội tổ chức dưới chân núi Nàng Tô Thị đã được nhiều du khách nhớ tới vì có nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời tạo điều kiện cho du khách kết hợp tham quan di tích, tham dự lễ hội.
Văn hóa các dân tộc là hồn cốt, là bộ phận cấu thành nền văn hóa quốc gia. Thiết nghĩ, để văn hóa các dân tộc phát huy vai trò, ý nghĩa trong sự phát triển của Lạng Sơn nói riêng, cả nước nói chung trên con đường hội nhập, thời gian tới, rất cần có sự quan tâm đầu tư, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
HOÀNG THỊNH
Ý kiến ()