Phát huy vai trò truyền thông, đưa hàng Việt đến với người Việt
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng phát huy hiệu quả, một trong những giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh công tác truyền thông, để người tiêu dùng nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ khi sử dụng hàng Việt Nam; bên cạnh đó, cũng làm cho doanh nghiệp thấy rõ được quyền lợi và trách nhiệm sản xuất ra các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.
Đồng chí Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, |
Đó là khẳng định của đồng chí Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra vào ngày 11/10.
Phóng viên (PV): Có thể nói, 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như nhà phân phối, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Theo đồng chí, có những điểm nhấn nào để nói tới sự thành công này?
Đồng chí Lê Bá Trình: Sau 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của người tiêu dùng cũng như nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sản xuất được nâng lên nhiều. Cuộc vận động đã thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Đặc biệt, qua điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7/2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng trong cả nước quan tâm và quan tâm cao đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. 63% số người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng… Các doanh nghiệp xem đây là cơ hội để thoát ra khỏi khó khăn trong giai đoạn kinh tế khó và để vươn lên nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, bảo đảm hướng phát triển của mình.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ngày càng rõ hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng bảo đảm được quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới mà chúng ta là 1 trong 150 nước thành viên. Đấy là những điểm thành công trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động.
PV: Với tư cách là Phó ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng tham gia rất nhiều đoàn công tác về cơ sở để kiểm tra, đồng chí có thể cho biết một số mô hình, điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động?
Đồng chí Lê Bá Trình: Trong quá trình đi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy một điều là, nơi nào cấp ủy thực sự làm tròn trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của mình thì kéo theo cả hệ thống chính trị ở đó làm rất tốt và từ đó cũng xuất hiện nhiều mô hình rất hay. Ví dụ như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và một số địa phương mà cấp ủy thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền thể hiện vai trò phối hợp và thực hiện tốt Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và MTTQ, các đoàn thể cùng vào cuộc thì việc triển khai Cuộc vận động rất tốt.
Một số mô hình cụ thể như: Mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố; liên kết sản phẩm của nhau giữa tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công thương; liên kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ của 25/32 tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh An Giang. Riêng tại Bộ Công thương, sau 2 năm (2012 – 2013), các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện tiêu thụ sản phẩm của nhau với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu)…; hay như một số mô hình tổ chức hội, câu lạc bộ, nhóm như mô hình của Hội Liên hiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền vận động trong từng gia đình sử dụng hàng Việt; tổ tiêu dùng, câu lạc bộ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp; câu lạc bộ “Người tiêu dùng nữ” của tỉnh Phú Thọ…
PV : Từ những điểm sáng như vậy, theo đồng chí, những điều then chốt nào để Mặt trận nhân lên những mô hình, những địa phương làm tốt để Cuộc vận động ngày càng đi vào lòng dân?
Đồng chí Lê Bá Trình: Một trong những giải pháp chủ yếu là công tác truyền thông, tuyên truyền vận động để người tiêu dùng hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi sử dụng hàng hóa của Việt Nam có chất lượng. Mặt khác làm cho nhà sản xuất, doanh nghiệp hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình để sản xuất ra các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ và xem đó là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, đơn vị mình.
Trong kết quả nghiên cứu xã hội học vừa qua cho thấy, kênh chủ yếu để người dân biết đến hàng Việt chủ yếu thông qua truyền thông. Đó là thực tế, vì vậy, sắp tới, cùng với các biện pháp của Nhà nước, của doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất thì phải phát huy vai trò của truyền thông.
Hàng dệt may Việt Nam ngày càng được nhiều người tiêu dùng |
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, đây đó vẫn có những hoạt động rất hình thức tại một số địa phương. Theo đồng chí, làm thế nào để tránh được những căn bệnh hình thức như thế đối với một Cuộc vận động mang tầm quốc gia như thế này?
Đồng chí Lê Bá Trình: Bên cạnh những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai Cuộc vận động, ở một số nơi, thậm chí bộ, ngành Trung ương cho đến địa phương vẫn còn mang tính hình thức. Nơi nào công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa rõ, chiếu lệ, thì nơi đó làm mang tính hình thức, gây xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và làm cho doanh nghiệp không hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Do đó, sắp tới, cần p hải tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại; từ đó, tạo ra thị trường lành mạnh để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam có chất lượng đủ sức cạnh tranh.
Ngoài ra, để khắc phục hạn chế, phải đẩy mạnh công tác truyền thông trong tôn vinh, biểu dương những điển hình tiên tiến thực hiện Cuộc vận động và lên án những hành vi trong sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam không đảm bảo; truyền thông phải hỗ trợ cho các giải pháp quản lý nhà nước, làm “trong sạch” thị trường.
PV: Để Cuộc vận động tiếp tục phát huy sứ mệnh của mình, theo đồng chí, trong thời gian tới, Cuộc vận động cần thêm những “chất xúc tác” gì để thực sự đưa hàng Việt trở thành niềm tự hào của người Việt?
Đồng chí Lê Bá Trình: Theo tôi, vấn đề trước hết liên quan đến trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo là Ban Chỉ đạo Trung ương, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo các cấp phải tăng cường công tác giám sát, đặc biệt giám sát, kiểm tra những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong Chỉ thị 24, các giải pháp của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động. N ếu bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt, báo cáo và đề nghị với Chính phủ để có sự chỉ đạo kịp thời, đưa ra giải pháp khắc phục.
Đặc biệt, phải tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của mọi người, để tinh thần Cuộc vận động thực sự “thấm đẫm” vào mỗi người tiêu dùng, mỗi doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()