Phát huy vai trò tổ tiết kiệm và vay vốn
LSO-Được ví như “cánh tay” nối dài của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), những năm qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn huyện Văn Quan không ngừng phát huy hiệu quả, đưa vốn kịp thời đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.
Các tổ tiết kiệm và vay vốn giao dịch tại xã Song Giang |
Bà Linh Thị Nhung, thôn Lũng Phúc, xã Tri Lễ là một trong những hộ vừa thoát nghèo cho biết: Có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình tôi phải cảm ơn tổ TK&VV của thôn rất nhiều. Từ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH, tôi đầu tư trồng các loại cây ăn quả gồm: quýt, mận, cam… rồi trồng mới cây hồi trên diện tích đồi rừng của gia đình, đến nay đã được thu hoạch. Với sự hỗ trợ về vốn vay, hiện gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, mô hình kinh tế của gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có tổng số 250 tổ TK&VV. Để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giúp nhiều hộ có đủ điều kiện tiếp cận vốn vay, huyện Văn Quan đã phát huy vai trò quản lý vốn của các tổ TK&VV. Thực hiện các chương trình vốn, các tổ TK&VV đã kịp thời hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đôn đốc thu nợ, thu lãi đạt kế hoạch.
Để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ, nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH huyện Văn Quan và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác đã tăng cường phối hợp trong việc thành lập, chỉ đạo hoạt động cũng như củng cố, kiện toàn các tổ. Ông Hoàng Tuấn Nghị, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Hằng tháng, đơn vị luôn theo dõi sát sao hoạt động của các tổ thông qua tình hình sử dụng vốn, biến động về số dư nợ, huy động tiết kiệm, thu nợ, thu lãi… Trên cơ sở đó, cán bộ tín dụng sẽ phối hợp với các tổ chức hội xem xét nguyên nhân, thực hiện giải pháp phù hợp để chỉ đạo hoạt động của tổ trung bình, yếu.
Để nâng cao hiệu quả quản lý vốn vay cho đội ngũ tổ trưởng tổ TK&VV, NHCSXH huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn. Trong năm 2017, tổ chức được 9 lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, nghiệp vụ quản lý vốn cho các tổ. Tại mỗi phiên giao dịch ở các xã, cán bộ ngân hàng đều quan tâm lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, nhắc nhở những tổ chưa sát sao trong quản lý vốn, tổ có huy động tiền gửi tiết kiệm không đạt, nợ quá hạn cao, thu lãi thấp… Đồng thời hướng dẫn cụ thể cho các tổ trưởng về cách ghi chép sổ sách, lưu trữ hồ sơ.
Với sự quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV, đến nay, 100% tổ đảm bảo hoạt động đúng quy định, đủ số thành viên; 249/250 tổ hoạt động khá, tốt.
Bà Phùng Thị Đồng, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Ích Hữu, xã Đại An cho biết: Tính đến nay, tổ TK&VV của thôn đang quản lý 27 hộ vay với số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Trong những năm qua, các tổ viên luôn yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, toàn tổ không có thành viên nào nợ quá hạn, nộp lãi chậm, không có nợ xâm tiêu. Để có kết quả đó, trong công tác quản lý vốn, tôi tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp giao ban sau mỗi kỳ giao dịch để nắm về các chính sách vốn; tham gia chương trình tập huấn và nắm chắc quy trình, nghiệp vụ cho vay. Hằng tháng, thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn…
Từ chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ TK&VV đã góp phần giúp NHCSXH huyện quản lý tốt nguồn vốn vay. Qua đó, nguồn vốn tín dụng được đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng, tín dụng đạt cao so với kế hoạch, chất lượng tín dụng được nâng lên. Hết năm 2017, tổng dư nợ tại NHCSXH huyện đạt trên 282,2 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với năm 2016. Nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,07%, huy động tiết kiệm đạt 101,6% chỉ tiêu giao.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()