Phát huy vai trò tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên, lao động
BẾ THỊ HOÀ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh
– Trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ), các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ lợi ích cho ĐVNLĐ. Qua đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống của ĐVNLĐ.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh hướng dẫn người lao động chọn đồ cho con em mình trong chương trình tặng quần áo cho trẻ em (4/2023)
Theo đó, để đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổ tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã được thành lập (năm 2018). Trong 5 năm qua, tổ đã thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trên 500 lượt người hỏi về chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao động; việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), quy chế dân chủ ở cở sở… đồng thời, nắm bắt thông tin của ĐVNLĐ từ cơ sở để tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến ĐVNLĐ. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham gia, phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng xét duyệt trên 700 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ chờ việc và có thời gian công tác trước ngày 1/1/1995; tham gia giám sát chi trả chế độ cho 452 người với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng; tham gia đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra tại 146 doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ.
Đặc biệt, tháng 5/2020, LĐLĐ tỉnh đã chủ trì tổ chức Hội thảo phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Quy định chính sách khuyến khích đào tạo cán bộ, công chức, viên chức và thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh Lạng Sơn”. Tại hội thảo, có 11 ý kiến tham gia vào dự thảo nghị quyết, trong đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung. Các ý kiến phản biện tại hội thảo được cơ quan chủ trì soạn thảo Sở Nội vụ tiếp thu và tổng hợp báo cáo với UBND tỉnh, HĐND tỉnh.
Nhằm tạo bước đột phá trong công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVNLĐ, ngày 20/3/2019, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Chương trình số 06/CTr-LĐLĐ về triển khai thực hiện Chương trình nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động giai đoạn 2018 – 2023. Trong đó, chương trình gồm 6 chỉ tiêu cụ thể và 6 giải pháp thực hiện. Chương trình được triển khai đến 100% công đoàn các cấp trong tỉnh, từ đó, các tổ chức công đoàn đã thực hiện dựa theo điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị.
Thực hiện chương trình, hằng năm, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ gắn với hoạt động của tháng công nhân. Cùng đó, đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở các cấp công đoàn được quan tâm kiện toàn, trong đó nhiều CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (77 doanh nghiệp) đều thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 266 an toàn vệ sinh viên. Để trang bị kiến thức cho cán bộ công đoàn cũng như người lao động hiểu chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong nhiệm kỳ, đã có gần 290 lớp bồi dưỡng tập huấn, huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho trên 5.000 lượt cán bộ công đoàn, cán bộ phụ trách lĩnh vực ATVSLĐ và bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh viên thuộc CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức về ATVSLĐ; kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 4.500 lượt cán bộ công đoàn các cấp, an toàn vệ sinh viên…
Một trong những lợi ích hợp pháp của ĐVNLĐ đó là nhu cầu ăn uống, đảm bảo sức khỏe trong thực hiện công việc. Để đảm bảo quyền lợi cho ĐVNLĐ tại các doanh nghiệp tổ chức ăn ca, các cấp công đoàn đã tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết 07c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” qua hình thức như tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động nâng cao chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, trong những năm qua không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và ngừng việc có nguyên nhân từ bữa ăn ca của người lao động; 68 CĐCS ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung bữa ăn ca của người lao động với 2.674 ĐVNLĐ được hưởng chế độ ăn ca, mức bình quân 22.000 đồng/bữa trở lên. Tiêu biểu có một số đơn vị hỗ trợ ăn ca từ 50.000 đồng trở lên như Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật, Công ty Cổ phần Non Nước…
Bên cạnh đó, công tác thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đối thoại tại doanh nghiệp được các cấp công đoàn chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, các doanh nghiệp đã tổ chức được 470 cuộc đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất tại nơi làm việc về những vấn đề bức xúc mà đoàn viên và người lao động quan tâm, cần giải quyết; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 90% (đạt 100% chỉ tiêu đề ra).
Với việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 06, tổ chức công đoàn đã khẳng định và phát huy vai trò là chỗ dựa vững chắc của ĐVNLĐ. Qua các hoạt động thiết thực, công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVNLĐ ngày càng được quan tâm, đảm bảo, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Công đoàn – “Điểm tựa” của người lao động Nhằm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ), các cấp công đoàn trong tỉnh đã bám sát thực tiễn của ngành, đơn vị, triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, phù hợp trong từng giai đoạn, hoàn cảnh, thực sự trở thành “điểm tựa” giúp ĐVNLĐ vượt khó, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bà Hoàng Ngọc Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đình Lập: “Đa dạng hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên” Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, LĐLĐ huyện Đình Lập luôn chú trọng thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho ĐVNLĐ với hình thức, hoạt động đa dạng như: tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; tham gia các hội đồng thi đua, khen thưởng, kỷ luật, hội đồng nâng bậc lương, hội đồng tinh giản biên chế các cấp… Trong nhiệm kỳ, LĐLĐ huyện đã chủ trì phối hợp thành lập 6 đoàn giám sát (theo Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội), tổ chức giám sát trực tiếp tại 29 đơn vị trường học và các xã, thị trấn trên địa bàn. Các hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện, thăm hỏi động viên ĐVNLĐ và gia đình khi gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn và nhân các dịp lễ, tết đã được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên với trên 6.500 lượt người được thăm hỏi, hỗ trợ với tổng giá trị trên 2,5 tỷ đồng; vận động ĐVNLĐ tích cực tham gia ủng hộ Quỹ xã hội LĐLĐ tỉnh được trên 220 triệu đồng, đề nghị LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 11 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa và xây mới nhà ở với tổng số tiền 360 triệu đồng. Cùng đó, LĐLĐ huyện đã triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho ĐV và NLĐ giai đoạn 2019 – 2023 với trên 1.140 lượt ĐVNLĐ được sử dụng dịch vụ (dịch vụ xét nghiệm máu), mua các sản phẩm với giá ưu đãi, giảm giá, số tiền hưởng lợi trên 290 triệu đồng. Bà Hà Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lạng Sơn: “Phát huy nguồn lực xã hội hóa, chăm lo đời sống nhà giáo, người lao động” Xác định nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn là chăm lo đời sống ĐVNLĐ, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn có các giải pháp và cơ chế hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, nhà giáo, NLĐ; triển khai các hoạt động, chia sẻ, hỗ trợ, cải thiện điều kiện làm việc và cuộc sống cho đội ngũ nhà giáo; quan tâm đến nhà giáo vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn với mục tiêu số lượng các nhà giáo và học sinh được hỗ trợ năm sau nhiều hơn so với năm học trước. Trong nhiệm kỳ, các cấp công đoàn toàn ngành đã vận động hỗ trợ và tổ chức thăm hỏi, trợ cấp cho 1.250 lượt ĐVNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết với số tiền trên 900 triệu đồng; huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài ngành tổ chức 4 chương trình “Tết sum vầy” cho giáo viên và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; tham mưu cho Ban quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ chăm lo cho nhà giáo, NLĐ trong ngành (theo cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động) đảm bảo đúng quy chế, đối tượng với hơn 2.400 giáo viên, học sinh được hỗ trợ với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Bà Đặng Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Bảo Long (huyện Cao Lộc): “Chăm lo tốt để công nhân yên tâm lao động sản xuất” CĐCS Công ty TNHH Bảo Long hiện có 160 ĐVNLĐ chia làm 11 tổ công đoàn. Thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, thời gian qua, Công đoàn công ty luôn chủ động tham mưu, theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động; đồng thời luôn sát sao, nắm bắt tâm tư ĐVNLĐ, từ đó đưa ra kiến nghị đối với chủ doanh nghiệp để có những cải thiện tốt hơn về các chế độ, triển khai kịp thời các hoạt động chăm lo đời sống của ĐVNLĐ như: chế độ tiền lương, thưởng, tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho 100% người lao động; con công nhân lao động được tặng quà vào ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, khen thưởng cho các cháu học sinh giỏi; cán bộ, công nhân viên cũng được công ty tổ chức đi tham quan nghỉ mát, khám sức khoẻ hằng năm; giao lưu văn hóa văn nghệ vào dịp kỷ niệm ngày thành lập công ty… Trong nhiệm kỳ, CĐCS đã tổ chức thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ được 1.680 lượt ĐVNLĐ với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Hằng năm CĐCS thường xuyên rà soát, lập danh sách các trường hợp khó khăn đề nghị hỗ trợ kịp thời từ Quỹ “Nghĩa tình Công đoàn”, Quỹ “Xã hội Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn” có 6 trường hợp được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 175 triệu đồng. Qua đó, động viên công nhân lao động yên tâm làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Ý kiến ()