Phát huy vai trò người đại biểu Nhân dân, khẳng định dấu ấn trên nghị trường
– Năm 2022 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Quốc hội Việt Nam, trong đó, có những đóng góp của Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH các tỉnh, thành phố. Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tỉnh đã phát huy vai trò người đại biểu của Nhân dân, là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội và có nhiều dấu ấn trên nghị trường.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV (tháng 6/2022)
Theo đó, tham dự các kỳ họp do Quốc hội, ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tham gia phát biểu ý kiến vào các dự thảo luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét thảo luận, thông qua. Năm 2022, tại 3 kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH của Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 68 lượt ý kiến đóng góp trực tiếp và gửi 2 ý kiến bằng văn bản, trong đó có 16 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 52 lượt ý kiến phát biểu tại tổ. Tại các kỳ họp, 21 dự thảo luật được Quốc hội đưa ra bàn, xem xét đã được Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh và tổng hợp báo cáo gửi đến các ủy ban của Quốc hội. Cùng đó, các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia nhiều hội nghị, hội thảo để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại các kỳ họp.
Trên tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, mỗi ĐBQH đã nghiên cứu các tài liệu về các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và các ý kiến của cử tri. Từ đó, tổng hợp, phân tích, đối chiếu các thông tin có liên quan và chủ động tích cực tham gia ý kiến, góp phần để các luật và nghị quyết khi được Quốc hội thông qua phù hợp với điều kiện thực tiễn và đi vào cuộc sống.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Trong năm 2022, tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4, tôi đã phát biểu 22 lượt ý kiến. Các nội dung quan tâm và tâm đắc đã tham gia như: Luật Thi đua khen thưởng; Luật Tần số vô tuyến điện; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Phòng thủ dân sự; Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô…
Cùng xác định trách nhiệm của ĐBQH là nắm bắt những ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, trong năm qua, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chánh văn phòng Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm lắng nghe những ý kiến của cử tri, nắm bắt kịp thời những nội dung, sự việc mà cử tri và Nhân dân quan tâm để phản ánh tại các cuộc thảo luận, phát biểu ý kiến trên nghị trường. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái chia sẻ: Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan đến những nội dung cử tri phản ánh và căn cứ vào tình hình thực tiễn từ địa phương để có những ý kiến đóng góp chất lượng, phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta vào ngày 6/1/1946 được tổ chức thành công là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Tại Lạng Sơn, cử tri đã tham gia bầu cử, lựa chọn và bầu 3 đại biểu của Lạng Sơn vào Quốc hội khóa I, gồm: 1- Đồng chí Lương Như Ý, dân tộc Tày, sinh năm 1900, Chủ nhiệm Ban Việt Minh tỉnh Lạng Sơn. 2- Đồng chí Lê Huyền Trang, dân tộc Tày, sinh năm 1913, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn. 3- Đồng chí Lâm Trọng Thư, dân tộc Nùng, sinh năm 1923, cán bộ Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Lạng Sơn. |
Trong rất nhiều vấn đề được bàn, thảo luận và ý kiến tại kỳ họp của Quốc hội, các ĐBQH tỉnh đã nỗ lực chuyển tải nhiều ý kiến của cử tri đến Quốc hội, tập trung vào một số nội dung như: các giải pháp để kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; các giải pháp, chính sách thu hút nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế…
Ông Nguyễn Xuân Khoát, lão thành cách mạng, cử tri thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thường xuyên theo dõi, xem tin về các kỳ họp Quốc hội, tôi thấy ĐBQH của tỉnh Lạng Sơn đã tham gia phát biểu nhiều ý kiến trên nghị trường. Ý kiến của các ĐBQH tỉnh có chất lượng, đi thẳng vào các nội dung, đóng góp quan trọng vào các dự thảo luật, quyết định nhiều chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời, cũng phản ánh, chuyển tải được các ý kiến của cử tri, Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tới Quốc hội.
Song song với đó, các ĐBQH tỉnh cũng tích cực tham gia hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp của Quốc hội; tham gia tiếp công dân theo quy định. Những hoạt động của ĐBQH tỉnh thời gian qua góp phần vào sự phát triển của tỉnh, đưa những quyết sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri trên địa bàn tỉnh.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()