Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ở Lào Cai
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai) giúp dân phát triển kinh tế. Ảnh: NGỌC HIẾU Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị đã nêu rõ, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành công việc thường xuyên, quan trọng, thành nền nếp trong sinh hoạt của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể.Trong số các giải pháp để việc thực hiện có hiệu quả thiết thực, Chỉ thị nêu yêu cầu: "Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân".Vấn đề nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt...
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai) giúp dân phát triển kinh tế. Ảnh: NGỌC HIẾU |
Trong số các giải pháp để việc thực hiện có hiệu quả thiết thực, Chỉ thị nêu yêu cầu: “Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân”.
Vấn đề nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ những nguyên tắc thực hành đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ai cũng phải nêu gương, những người có vị trí cao hơn về chức vụ, nhiều hơn về vị thế, tuổi tác thì phải nêu gương trước: ông bà nêu gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, đảng viên nêu gương cho quần chúng, lãnh đạo nêu gương cho nhân viên… Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tự giác đi đầu trong rèn luyện đạo đức có vai trò rất quan trọng để tạo nên sự tin cậy của dân với Đảng và lôi cuốn, hướng dẫn mọi người làm theo. Trong những năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị khóa X đã có công văn số 271-CV/TW ngày 24-9-2009 về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó xác định trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Ban Tổ chức T.Ư đã có công văn số 3731-CV/BTCTW, ngày 16-4-2008, hướng dẫn bổ sung một số nội dung sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Để việc nêu gương trở thành nền nếp và có hiệu quả thiết thực, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã yêu cầu quy định rõ trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, với tinh thần tích cực, chủ động để sớm phát huy hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương, ngày 22-12-2011, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TU về một số nội dung tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bộ phận giúp việc của Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn 06-HD/BPGV, ngày 6-1-2012, hướng dẫn thực hiện Quy định nêu trên, giúp cho các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai thực hiện.
Nghiên cứu Quy định của Tỉnh ủy Lào Cai, giúp chúng ta có thêm thực tiễn để phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trước hết, là xác định rõ đối tượng thực hiện quy định. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Lào Cai đã cụ thể hóa các chức danh trong phạm vi điều chỉnh của Quy định, xác định sáu nhóm đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đó là: cán bộ lãnh đạo trong các tổ chức đảng, trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong lực lượng vũ trang, trong các đơn vị sự nghiệp, trong Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị và trong các doanh nghiệp. Nói chung, tất cả cán bộ lãnh đạo từ cơ sở trở lên đều là đối tượng điều chỉnh của Quy định, hay nói cách khác là đều phải tự giác đi đầu, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hai là, xác định nội dung tự giác thực hiện, gương mẫu đi đầu, nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Ở đây có sự kết hợp giữa trách nhiệm cá nhân là cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người tổ chức, lãnh đạo cơ quan đơn vị. Trong Quy định của Tỉnh ủy Lào Cai có nhấn mạnh việc tự giác, gương mẫu thực hiện (mang tính tự thân) với trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo nêu gương với nhân viên, quần chúng, với trách nhiệm tổ chức thực hiện trong đơn vị.
Thể hiện các nội dung trên, Lào Cai đã nêu năm lĩnh vực chủ yếu mà cán bộ lãnh đạo cần thực hiện, đó là: Thực hành dân chủ; thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng khối đoàn kết trong tập thể cơ quan; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Trong mỗi lĩnh vực, Quy định của Tỉnh đã đề cập đến các nội dung khá cụ thể. Thí dụ, về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, Quy định nêu rõ: dùng xe công đưa đón từ nhà riêng đến công sở theo đúng tiêu chuẩn quy định, không dùng xe công vào việc riêng; sử dụng, bố trí kinh phí, cơ sở vật chất của cơ quan, đơn vị hiệu quả, đúng quy định, không để thất thoát, lãng phí; không lợi dụng quyền hạn để chi tiêu tài chính công sai quy định, có lợi cho cá nhân; không nhận tiền, quà biếu liên quan đến công việc có quyền giải quyết dưới mọi hình thức (trừ trường hợp được Nhà nước quy định); có thái độ kiên quyết chống các hành vi tham nhũng hoặc có thể dẫn tới tham nhũng. Những nội dung cụ thể được xác định nêu trên liên quan trực tiếp đến trách nhiệm cá nhân về không tham nhũng, lãng phí và chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị…
Ba là, quy định về cơ chế thực hiện và các hình thức kiểm tra, giám sát. Trong Quy định, Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu các cán bộ lãnh đạo chủ chốt đều phải có bản đăng ký thực hiện các nội dung nêu trên, báo cáo với chi bộ, cơ quan đơn vị và có sự cam kết gương mẫu thực hiện. Hằng năm phải báo cáo về kết quả thực hiện những cam kết đó tại chi bộ, cơ quan, đơn vị. Chi bộ, cơ quan, đơn vị tham gia góp ý kiến và xác nhận mức độ đúng, sai về các nội dung báo cáo. Đối với các trường hợp cần kiểm tra, xác minh, Tỉnh ủy giao Bộ phận giúp việc kiểm tra, xác minh, báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả thực hiện nội dung cam kết hằng năm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt là một trong những căn cứ để đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ, là một trong những điều kiện để xem xét quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm…
Bốn là, về hướng dẫn thực hiện các quy định. Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo và bộ phận giúp việc của Tỉnh ủy cụ thể hóa các điểm trong Quy định và đặc biệt là phải sớm có hướng dẫn thực hiện quy định. Thực hiện trách nhiệm được Tỉnh ủy giao, Ban Tuyên giáo và bộ phận giúp việc của Tỉnh ủy sau hai tuần đã ban hành bản Hướng dẫn.
Trong Hướng dẫn của Bộ phận giúp việc Tỉnh ủy Lào Cai có một số điểm cụ thể, đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, về trình tự đăng ký. Mỗi cán bộ chủ chốt thuộc đối tượng nêu trên đều phải tự viết bản đăng ký, cam kết tự giác gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lựa chọn, đăng ký một số nội dung tự giác, gương mẫu thực hiện, sát với công việc của mình. Để bản cam kết có nội dung thiết thực và phù hợp hơn, Bộ phận giúp việc các cấp có trách nhiệm giúp đỡ, góp ý để các cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp hoàn chỉnh nội dung đăng ký. Bản đăng ký được công khai trước chi bộ, cơ quan, đơn vị. Chi bộ, cơ quan, đơn vị lưu giữ để theo dõi, giúp đỡ thực hiện.
Thứ hai, về báo cáo kết quả thực hiện. Theo Hướng dẫn, sau sáu tháng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải thông báo những việc đã làm được theo cam kết đã đăng ký cho chi bộ, cơ quan đơn vị biết và để góp ý kiến, giúp đỡ. Hằng năm, trong dịp tổng kết cuối năm, cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải báo cáo kết quả thực hiện những nội dung đã đăng ký trước chi bộ, cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, về hình thức đánh giá kết quả thực hiện. Lào Cai quy định rõ hình thức đánh giá là qua bỏ phiếu kín. Hằng năm, chi bộ, cơ quan, đơn vị tổ chức bỏ phiếu kín, xác định sự đúng, sai trong tự đánh giá của cán bộ lãnh đạo chủ chốt nêu trong bản báo cáo. Biên bản kiểm phiếu được gửi bộ phận giúp việc cùng cấp để tập hợp, báo cáo Thường vụ cấp ủy cùng cấp. Trong trường hợp có ý kiến không đồng ý với sự tự đánh giá của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, bộ phận giúp việc cùng cấp, hoặc cấp trên trực tiếp có thể tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ.
Thứ tư, về sử dụng kết quả đánh giá của chi bộ, cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy Lào Cai quy định, kết quả thực hiện bản đăng ký của cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được công bố công khai, rộng rãi để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dưới quyền và nhân dân biết. Trong tổ chức, kết quả thực hiện được sử dụng để xếp loại, đánh giá cán bộ.
Thứ năm, về thời hạn đăng ký và duy trì nền nếp đăng ký. Tỉnh ủy Lào Cai quy định, việc đăng ký thực hiện nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt tiến hành ngay trong dịp tổng kết năm, sau khi công bố ý kiến của chi bộ, cơ quan, đơn vị về kết quả thực hiện các cam kết trong năm, để thực hiện trong năm tiếp theo. Thời gian thực hiện phải hoàn thành trước ngày 15-1. Bộ phận giúp việc tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy.
Thứ sáu, về công tác tuyên truyền, tạo phong trào. Lào Cai tổ chức công bố Quy định của Tỉnh ủy và ký cam kết trong lễ kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-2012) và 65 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai (5-3-2012).
Việc sớm ban hành quy định và hướng dẫn thực hiện việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Tỉnh ủy Lào Cai thể hiện quyết tâm lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân Lào Cai; thể hiện tinh thần tích cực, chủ động, không chờ đợi, để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên trong sinh hoạt đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy vai trò của sự nêu gương là để thực hiện những nguyên tắc thực hành đạo đức trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Những quy định của Lào Cai nêu trên là phù hợp với yêu cầu nêu trong Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và trong Kế hoạch 03KH/TW của Ban Bí thư. Đồng thời, do đây là công việc mới, nên Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu vừa sớm triển khai thực hiện và vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn chỉnh. Trong Quy định 08-QĐ/TU, Tỉnh ủy Lào Cai xác định rõ: “Những vướng mắc trong quá trình triển khai và khi có hướng dẫn mới của Trung ương sẽ được điều chỉnh và bổ sung vào Quy định”.
Việc chủ động phát huy vai trò của sự nêu gương trong thực hành đạo đức bằng sớm quy định trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu thực hiện, nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ở Lào Cai là một hướng đi đúng cần nghiên cứu để vận dụng. Đặc biệt, việc phát huy vai trò nêu gương để góp phần làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay trở thành thực chất hơn, hiệu quả hơn là rất cần thiết; có ý nghĩa thời sự trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()