Phát huy vai trò mũi nhọn của lực lượng hải quan trong phòng, chống buôn lậu
Chiều 21-7, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các thành viên Ban Chỉ đạo đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, sáu tháng qua, hải quan cả nước đã phát hiện, bắt giữ gần 9 nghìn vụ vi phạm liên quan đến các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 169 tỷ đồng; khởi tố 33 vụ án hình sự.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, cần tập trung ngăn chặn hàng nhập lậu ngay từ các cửa khẩu, khu vực biên giới. Phải chú trọng công tác tuyên truyền đến từng hộ dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu. Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng yêu cầu cần siết chặt quy định đối với nhân viên hàng không về số lượng hàng xách tay được phép trong mỗi năm
Nêu vấn đề trong nhiều trường hợp, tăng thuế nhập khẩu dẫn đến gia tăng buôn lậu, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải viện dẫn bài học của nhiều quốc gia khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá với mục đích làm giảm số người hút thuốc thì lại dẫn đến gia tăng buôn lậu mặt hàng này vì đem lại lợi nhuận cao.
Khẳng định buôn lậu gắn liền với tham nhũng, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét lại hướng dẫn xử lý hình sự các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả sao cho đủ sức răn đe các vi phạm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là “hết sức cần thiết” trong bối cảnh thủ đoạn vi phạm diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện, ảnh hưởng môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước.
Vẫn còn một bộ phận cán bộ hải quan nhận thức yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là ở một số ngành hàng có lợi nhuận lớn.
“Công tác tuyên truyền chưa đạt yêu cầu; chính sách, thể chế vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo và các sơ hở. Tình trạng liên kết, tiếp tay cho các đầu nậu trong buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tiếp diễn, gây hậu quả thất thu cho ngân sách nhà nước” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, cần nhận thức rõ địa bàn, đối tượng và ngành hàng trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là chú ý cải cách, rà soát về mặt thể chế, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng hải quan cần phát huy vai trò mũi nhọn trong phòng, chống buôn lậu; ổn định tình hình an ninh kinh tế, đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa. Tổng cục Hải quan cũng cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Các lĩnh vực, ngành hàng vi phạm nhiều là xăng dầu, thực phẩm đông lạnh, động vật hoang dã, rượu, thuốc lá, rác thải công nghiệp… Nổi bật là các chuyên đề đấu tranh như: Lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu để chiếm đoạt 70 tỷ đồng tại Công ty thực phẩm Sài Gòn; đấu tranh, triệt phá hành vi lợi dụng chính sách miễn thuế đối với xe ô-tô diện Việt kiều hồi hương tại Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()