Phát huy vai trò kiến tạo của nền kinh tế
Năm 2023, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, xuất hiện nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, vượt dự báo. Song vượt qua nhiều khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh. Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư-cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế-xã hội.
Hoàn thành 100% nhiệm vụ được Chính phủ giao
Năm 2023 có nhiều khó khăn nhưng cũng là năm nền kinh tế có nhiều thành tựu. Đó là thành công trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với kỷ lục nguồn vốn đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, nguồn vốn giải ngân đạt hơn 23 tỷ USD trong hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip... Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58 điểm phần trăm (91,42%).
Những năm gần đây, đầu tư công đã từng bước khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển... Cụ thể, đã cắt giảm từ khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 xuống còn dưới 5.000 dự án giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, quan tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030, có khoảng 5.000km.
Trên công trường thi công dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: CÔNG NAM |
Đáng chú ý, trong công tác kế hoạch hóa, quản lý nhà nước, ngành đã thay đổi tư duy mạnh mẽ, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, như: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, mô hình kinh tế mới... Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm hơn 16%).
Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong chương trình công tác, không nợ đọng. "Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm mới mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện, vì lợi ích chung của đất nước", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Có thể thấy, trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nước ta bước vào giai đoạn nước rút, giai đoạn tăng tốc trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025; chuẩn bị nền tảng để đón nhận thời cơ, vận hội mới cho bước ngoặt của đất nước và tổ chức tổng kết, đánh giá, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm 2026-2030. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.
Đồng thời, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô. Mục tiêu nhất quán là ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành kế hoạch và đầu tư thời gian tới là tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt hơn 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài... "Năm 2024, đầu tư tư nhân dự báo tiếp tục khó khăn, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ và toàn ngành cần tiếp tục tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc kéo dài", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ý kiến ()