Phát huy vai trò Hội Phụ nữ tham gia giám sát, phản biện xã hội
LSO-Giám sát, phản biện xã hội không chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, mà còn thực hiện chức năng đại diện cho các tầng lớp phụ nữ theo Điều lệ hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam trong tham gia quản lý nhà nước. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ nhiều năm nay, Hội LHPN tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp hội thực hiện và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Trao bằng tốt nghiệp trung cấp ngành công tác xã hội cho cán bộ Hội phụ nữ |
Bà Lương Thị Thì, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Hội LHPN tỉnh cho biết: Những năm qua, Hội LHPN đã phối hợp với HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tham gia giám sát về các vấn đề xây dựng nông thôn mới, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; góp ý xây dựng văn bản pháp luật của nhà nước, các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ và đời sống của phụ nữ. Nhất là khi có Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị ban hành về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”- đây là cơ sở pháp lý, tạo bước chuyển cho Hội LHPN thực hiện đúng chức năng giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, hội đã tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt thực hiện Quyết định số 217, 218 ở 100% Hội LHPN cấp huyện, thành phố; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong hệ thống các cấp hội.
Triển khai thực hiện, trong 2 năm 2013 và 2014, Hội LHPN chủ động nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức giám sát Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; chế độ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ cứu đói giáp hạt,… Kết quả, đã giám sát được 119.732 đối tượng, hộ gia đình trong diện hưởng chính sách đúng theo quy định. Cùng với đó, hội đã chủ động khảo sát, thu thập thông tin đề xuất với UBND tỉnh, thông qua kỳ họp HĐND tỉnh ban hành được 2 chính sách đối với phụ nữ, cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN. Đó là, Quyết định của UBND tỉnh về quy định số lượng, chức danh, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, khối phố (trong đó có quy định phụ cấp cho chi hội trưởng phụ nữ ở thôn, khối phố mức hỗ trợ 0,15% mức lương tối thiểu chung do chính phủ quy định). Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh Lạng Sơn (trong đó có quy định tỷ lệ hỗ trợ thêm 10% với mức hỗ trợ chung đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ được cử đi học). Các cấp hội đã tích cực nghiên cứu tham gia góp ý vào các dự thảo văn kiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam lần thứ XI; dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật Hòa giải ở cơ sở,… Trong hơn 2 năm qua, hội tổ chức được trên 1.000 cuộc, thu hút gần 68.000 lượt chị em tham gia. Thêm nữa, hội còn thường xuyên tham gia tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Trong 2 năm qua, hội đã phối hợp với các ngành chức liên quan tổ chức hòa giải được 1.976 vụ, trong đó 68 vụ ly hôn, 37 vụ bạo lực gia đình, 03 vụ liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, 124 vụ mẫu thuẫn gia đình…. Qua hòa giải, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng. Mặt khác, nhằm giúp chị em là nạn nhân bị buôn bán trở về hòa nhập cộng đồng, hàng năm hội tổ chức rà soát, nắm tình hình về đời sống vật chất, tinh thần của các nạn nhân ở trên địa bàn và có biện pháp hỗ trợ thiết thực. Thông qua số liệu khảo sát, 2 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 5 hộ gia đình nạn nhân bị mua bán trở về có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình tại huyện Lộc Bình và Đình Lập (mức hỗ trợ 3.000.000đ/1 hộ, từ nguồn kinh phí chương trình 130 của tỉnh). Đồng thời, hội phối hợp với Công an tỉnh, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh đến tư vấn, hỗ trợ tiền tàu xe cho các nạn nhân ở các tỉnh khác bị buôn bán trở về, giúp họ ổn định tâm lý, trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Để triển khai công tác này hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo, định hướng cho các cấp hội lựa chọn những vấn đề giám sát, phản biện xã hội sát với chức năng, nhiệm vụ của hội, với đời sống của hội viên phụ nữ cơ sở như: việc thực hiện Luật bình đẳng giới và các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của phụ nữ. Tham gia góp ý vào việc xây dựng các văn bản pháp luật khi được trưng cầu. Tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ hội về kỹ năng nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách, thực hiện phản biện xã hội, tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư kỹ năng tham gia các Hội đồng, Ban chỉ đạo. Tham mưu đề xuất với Đảng về tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ và giới thiệu nhân sự nữ tham gia cấp ủy, HĐND nhiệm kỳ 2015-2020.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()