Phát huy vai trò hội nông dân trong phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8 tổ chức sáng 12/10, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8 sáng 12/10, tại Hà Nội. |
Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan
Phát biểu tại Diễn đàn bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Đảng về thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, cụ thể hóa các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới, theo thống kê, đến nay các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập được tới gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề khác.
Doanh thu bình quân hằng năm của mỗi hợp tác xã đạt trên 5,5 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân/thành viên/năm đạt 51,5 triệu đồng) và trên 400 triệu đồng/tổ hợp tác (lợi nhuận đạt trên 41 triệu/tổ hợp tác); trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%). Bên cạnh đó, các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Đảng, Nhà nước cũng xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP. Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Tuy vậy, các hợp tác xã hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Toàn cảnh diễn đàn Hội nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. |
8 giải pháp trọng tâm
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần khẩn trương tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện yêu cầu này, đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Hai là, đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. Phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác, 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia. HTX, tổ hợp tác mới thành lập, các HTX cần nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Ba là, Đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Các nội dung Đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Bốn là, đối với các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các hợp tác xã đã nêu lên tại Diễn đàn, nhất là không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về hợp tác xã.
Năm là, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.
Sáu là, cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. Xây dựng cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế.
Bảy là, các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Tám là, Hội Nông dân Việt Nam cần duy trì hoạt động tổ chức Diễn đàn, tạo thành sân chơi bổ ích cho người nông dân trong việc chia sẻ, đề xuất các kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành, địa phương kịp thời có giải pháp, chính sách tháo gỡ.
Sau Diễn đàn các hợp tác xã tiêu biểu vẫn có thể tiếp tục đóng góp ý kiến, đề xuất bằng văn bản tới cơ quan chức năng, có thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm phát triển kinh tế tập thể hiệu quả, bền vững. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng báo cáo cụ thể bằng văn bản những kết quả, nội dung đã đạt được trong Diễn đàn; đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị để triển khai tổ chức, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã.
Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2023) và chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028. |
Nguồn:https://nhandan.vn/phat-huy-vai-tro-hoi-nong-dan-trong-phat-trien-kinh-te-tap-the-trong-nong-nghiep-post777210.html
Ý kiến ()