Phát huy vai trò đầu mối giao thương
(LSO) – Là tỉnh miền núi, biên giới, trong những năm qua, Lạng Sơn đã phát huy tốt vai trò đầu mối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn.
Để phát huy vai trò đầu mối giao thương, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt hạ tầng khu vực khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cũng như một số khu vực cửa khẩu khác. Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh đã huy động, bố trí trên 8.550 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng yếu của khu kinh tế cửa khẩu, nhất là tại khu vực cửa khẩu và thành phố Lạng Sơn.
Trong giai đoạn 2011 – 2020, một số công trình hạ tầng quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: đường chuyên dụng XNK hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; đường chuyên dụng XNK hàng hóa thuộc cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đầu nối với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc); các tuyến đường đấu nối đường bộ qua biên giới tại các cửa khẩu; hoàn thành cơ sở hạ tầng, nhà làm việc liên ngành của các cơ quan, lực lượng chức năng tại các cửa khẩu…
Chiến sĩ biên phòng phân luồng giao thông tại cửa khẩu Tân Thanh
Anh Nguyễn Ngọc Hà, lái xe đến từ tỉnh Long An cho biết: Trước đây, việc đi lại, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh gặp khá nhiều khó khăn do ùn tắc. Từ khi khu vực có tuyến đường mới, hạ tầng bến bãi được đầu tư xây dựng rộng rãi, hiện đại, việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu thuận lợi hơn. Đồng thời, an ninh trật tự được đảm bảo.
Cùng với các công trình hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thêm các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng khác như: khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất; dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách, kho tàng, bến bãi, trung chuyển hàng hóa tại khu vực cửa khẩu có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh huy động nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng khu vực cửa khẩu, để tạo điều thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh đã hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục thông quan, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.
Ông Vũ Minh Tiến, chủ doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Tôi xuất khẩu hàng hoá qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị từ nhiều năm nay và luôn được cơ quan chức năng của Lạng Sơn tạo điều kiện thuận lợi. Trong đó, việc thông quan hàng hóa được điện tử hóa, lực lượng chức năng phân luồng giao thông, không để xảy ra ùn tắc. Cùng với đó, tôi được thông báo kịp thời về thời gian thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, giúp tôi tiết kiệm thời gian, chi phí.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, Lạng Sơn đã và đang không ngừng nỗ lực để phát huy vai trò đầu mối giao thông, phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu. Hằng năm có trên 3.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong cả nước tham gia kinh doanh XNK qua địa bàn tỉnh. Kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2011 -2015 tăng 14,6%. Năm 2020, tổng kim ngạch XNK ước đạt 5.500 triệu USD; bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng khoảng 6,1%.
Qua đó, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2019 đạt khoảng 33.000 tỷ đồng; thu ngân sách thông qua thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu đạt trên 4.300 tỷ đồng.
Ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ cở hạ tầng thương mại, các khu vực cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến với Lạng Sơn đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh, hoạt động XNK qua địa bàn.
Với những kết quả đạt được, Lạng Sơn đã và đang từng bước khẳng định là địa bàn đầu mối về giao thương, qua đó góp phần tạo lợi thế về XNK hàng hóa cho cả nước, đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc.
Ý kiến ()