Phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng
Những năm qua hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp rất tích cực trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Khuyến nông là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường; hệ thống khuyến nông giúp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh thăm mô hình nuôi tôm tại Hà Tĩnh. |
Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó có chỉ tiêu 13.5 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có “tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”.
Thể hiện vai trò cầu nối
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, để hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.
Mục tiêu của Đề án nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông; phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông.
Ngày 4/10/2022, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ban hành Quyết định số 259/QĐ-KN-TCHC về việc công nhận 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm và các quy chế hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 địa phương ở năm vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền Trung; vùng nguyên liệu cà-phê Tây Nguyên; vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên và vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười.
Các tổ khuyến nông cộng đồng đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở.
Mặt khác, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã thực hiện tốt nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại các địa bàn theo 4 nhóm hoạt động như tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tư vấn hỗ trợ hình thành hợp tác nông nghiệp; phát triển thị trường, liên kết sản xuất; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các hợp tác xã.
Sau hơn 1 năm triển khai, Đề án đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Theo đó, ở 13 tỉnh tham gia Đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm với tổng số 168 thành viên và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với tổng số 4.276 thành viên.
Đến nay, ngoài 13 địa phương tham gia Đề án thí điểm, trên cả nước đã có thêm 30 địa phương thành lập khoảng 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng. Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương.
Việc lựa chọn đối tượng tham gia tổ khuyến nông cộng đồng được thực hiện linh hoạt, không gò bó theo hình mẫu nào; tuyển chọn những người tham gia thật sự tâm huyết, có trình độ phù hợp điều kiện kinh tế, thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình Đỗ Đức Trường cho biết, ngoài 2 tổ khuyến nông cộng đồng cấp tỉnh, thời gian vừa qua trên địa bàn đã có 12 xã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng ở các huyện Yên Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong, Lạc Sơn và thành phố Hòa Bình.
Việc lựa chọn đối tượng tham gia tổ khuyến nông cộng đồng được thực hiện linh hoạt, không gò bó theo hình mẫu nào; tuyển chọn những người tham gia thật sự tâm huyết, có trình độ phù hợp điều kiện kinh tế, thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương. Từ đó phát triển năng lực của các thành viên tổ và phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, đến nay trên địa bàn đã thành lập được 136 tổ khuyến nông cộng đồng với 1.160 thành viên tham gia. Các tổ khuyến nông cộng đồng có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác xã; tư vấn thành lập hợp tác xã, chuyển giao kỹ thuật; hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; thông tin thị trường kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã.
Qua đánh giá, cơ bản các tổ đều xây dựng từ 1-2 mô hình về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tư vấn thành lập 29 hợp tác xã; 52 tổ đã tư vấn liên kết sản xuất, kết nối thị trường; 27 tổ tư vấn quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; 59 tổ làm dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y đáp ứng được từ 30% số hộ/hợp tác xã trở lên; tất cả các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng tại địa phương.
Nâng cao năng lực cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng
Mặc dù vậy, trong quá trình thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục. Trong đó, tổ chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng; chưa xây dựng được quy trình công việc, kỹ năng tư vấn quảng bá; nguồn kinh phí hoạt động chưa được hỗ trợ nên hầu hết là làm việc tự nguyện và lồng ghép.
Nhằm phát huy tốt vài trò hệ thống khuyến nông cơ sở, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề nghị các địa phương thời gian tới cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả, tác động của khuyến nông cộng đồng, bao gồm các tiêu chí về phạm vi hoạt động, tác động đến sản xuất nông nghiệp; ảnh hưởng của tổ khuyến nông cộng đồng đến kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở và công tác khuyến nông.
Đồng thời, các địa phương đánh giá việc thành thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng để xây dựng quy chế mẫu nhân rộng trong giai đoạn tới; tiếp tục hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng đã thành lập thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; hướng dẫn nhân rộng mô hình, xây dựng các chương trình đào tạo, thu hút nguồn lực địa phương hỗ trợ hoạt động khuyến nông cộng đồng.
Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế chính sách cụ thể cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng như kiến thức về hợp tác xã, thị trường và liên kết sản xuất, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử để các thành viên trong tổ có thể đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ.
Ý kiến ()