Phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục thế hệ trẻ
(LSO) – Trong 3 môi trường giáo dục, thì gia đình là thiết chế quan trọng bậc nhất; là nền tảng cho sự hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, đạo đức của mỗi người.
Giáo dục – chức năng cơ bản của gia đình
Trong 3 chức năng của gia đình gồm: chức năng kinh tế, chức năng sinh sản, duy trì nòi giống và chức năng giáo dục thì chức năng giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì giáo dục là quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách, nó được tổ chức một cách có mục đích và có kế hoạch, thông qua các hoạt động và quan hệ giữa người giáo dục và người được giáo dục nhằm truyền đạt và chiếm lĩnh kinh nghiệm xã hội loài người. Giáo dục hiểu theo nghĩa rộng này thì cần có sự tham gia và là kết quả tổng hợp của cả 3 môi trường: nhà trường, xã hội và gia đình. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì giáo dục đạo đức, lối sống là một bộ phận của quá trình hình thành niềm tin, lý tưởng, động cơ, tình cảm, thái độ, những nét tính cách, hành vi, thói quen cư xử đúng đắn trong xã hội… đó là “phẩm chất làm người”, những phẩm chất này được hình thành chủ yếu thông qua giáo dục trong gia đình.
Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng (TP Lạng Sơn) tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng học sinh
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư “Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ “về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, trình độ học vấn và nhận thức của các gia đình được nâng lên, công tác giáo dục trẻ trong môi trường gia đình cũng thu được những kết quả đáng mừng. Cùng với đó, sự lan tỏa và cộng hưởng của các phong trào như phong trào “Cha mẹ, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” trong khu dân cư thực sự nhân lên những yếu tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực trong công tác giáo dục trẻ em. Các yếu tố đó đã thực sự kéo giảm lối sống thực dụng, ích kỷ, tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha; tệ nạn tảo hôn, mại dâm, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em đã giảm; trẻ em đã được quan tâm nhiều hơn từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội.
Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa 3 thiết chế giáo dục
Trong công tác giáo dục, chúng ta đã xã định vai trò nền tảng của thiết chế gia đình, coi đó là mắt xích quan trọng nhất trong 3 môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của gia đình trong công tác giáo dục thế hệ trẻ nhiều lúc, nhiều nơi còn hạn chế, thậm chí lệch lạc. Quan niệm phổ biến là gia đình chỉ có chức năng kinh tế (nghĩa vụ nuôi dưỡng) còn giáo dục là chức năng của nhà trường, là trách nhiệm của thầy cô. Sự thực, với việc tăng thời lượng học tập, nhất là học nội trú, bán trú, học 2 buổi/ ngày và tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay, trẻ em sẽ không có nhiều thời gian ở nhà. Nhiều người nói vui rằng đối với trẻ em, gia đình chẳng khác gì một cơ sở lưu trú không phải trả tiền. Do mải làm ăn, do không có thời gian gần gũi chăm sóc con cái, nhiều ông bố, bà mẹ không theo dõi được diễn biến sinh, tâm lý của con mình, để mặc cho sự phát triển “tự nhiên”. Vì vậy, tình trạng bạo lực học đường, trẻ em vi phạm pháp luật đang thực sự là mối lo ngại, sợ hãi của người dân, đồng thời cũng phản ánh sự xuống cấp của đạo đức, nhân cách của giới trẻ, là nỗi đau, sự bất lực của gia đình, trường học, xã hội.
Trước thực trạng trên, dư luận thường đặt câu hỏi: trách nhiệm thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? Thực sự khi thấy những trường hợp như vậy, nhiều người thường đổ lỗi cho nhà trường mà quên đi trách nhiệm của gia đình. Gia đình không chỉ nuôi dưỡng con cái lớn khôn về mặt thể chất mà còn là môi trường đầu tiên in dấu nhân cách lên mỗi cá thể, là suối nguồn yêu thương góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện, nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức mỗi người. Vì vậy, gia đình phải là một mắt xích, là nền tảng trong công tác giáo dục trẻ em; mỗi sai lầm của trẻ, gia đình phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, trước hết và trên hết. Nhận thức được như vậy, trách nhiệm của gia đình, của từng ông bố bà mẹ, những người lớn trong gia đình mới được nâng cao.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()