Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới
Doanh nghiệp, doanh nhân từ lâu được xem là đại diện cho sức mạnh sản xuất mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng góp không nhỏ vào những thành tựu phát triển chung của đất nước. Ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Ðiều này đã thể hiện quan điểm nhất quán của Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển.
Công nhân Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô Hyundai Thành Công (Ninh Bình) vận hành dây chuyền lắp ráp, sản xuất sản phẩm ô-tô Hyundai. (Ảnh Anh An) |
Trước yêu cầu phát triển mới, hơn lúc nào hết, đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định vị thế tốt hơn nữa trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Lực lượng nòng cốt của nền kinh tế
Nhận thức rõ vai trò của giới doanh nhân, cách đây 12 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, Ðảng ta xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ðến nay, sau 37 năm đổi mới và 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng khi có khoảng gần 10 triệu doanh nhân, gần 900 nghìn doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và gần 14.400 hợp tác xã. Khu vực này cũng đang đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 15 triệu lao động. |
Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến chuyển, sự phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được nhìn nhận chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới khi phần lớn doanh nghiệp đang có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít, tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Do đó, Bộ Chính trị nhận thấy việc cần thiết phải có một nghị quyết mới nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Ðảng có liên quan tới doanh nhân, doanh nghiệp để từ đó tiếp tục xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò và sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Ðại hội XIII của Ðảng đề ra. Chính vì vậy, việc Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ra đời là điều rất cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Trên tinh thần kế thừa Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW có những điểm mới khi xác định đội ngũ doanh nhân “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh với việc đề ra bảy nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, nhằm bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
“Tôi rất vui mừng khi chưa có thời kỳ nào, vị thế của đất nước được cộng đồng thế giới đánh giá cao như hiện nay, nhất là các cường quốc lớn. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành với nhiều quan điểm mới đã góp phần nâng tầm doanh nghiệp, là kim chỉ nam để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dõi theo thực hiện. Tôi mong muốn các doanh nhân tích cực tham gia công tác đảng, phát triển đảng tại doanh nghiệp. Các doanh nhân không chỉ là những người làm kinh tế mà còn phải có lý tưởng, khát vọng sống cao đẹp, đóng góp cho đất nước”. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Nguyễn Văn Thân |
Tương tự, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương bày tỏ vui mừng khi biết Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW và cảm ơn sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Ðội ngũ doanh nhân rất phấn khởi khi Nghị quyết mới tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của doanh nhân và đề cao hơn nữa khi xem đây là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðồng thời đội ngũ doanh nhân không chỉ có vai trò góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ mà còn được giao thêm là góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết này cũng yêu cầu các cấp ủy đảng có trách nhiệm xem xét, đánh giá tôn vinh, động viên và cổ vũ kịp thời các doanh nhân có đóng góp cho nền kinh tế. Với những nội dung mới được Nghị quyết số 41-NQ/TW đề cập, đội ngũ doanh nhân tin tưởng đó sẽ là bệ đỡ, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế đất nước, từng bước đi vào đời sống, đi vào các hoạt động của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, hỗ trợ, tạo động lực cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam từng bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, Quảng Ninh. (Ảnh đức anh) |
Tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho đất nước
Đến nay Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD” toàn cầu, có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, điển hình như: Viettel, Vinamilk, Habeco, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25,… Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phạm Tấn Công |
Tuy nhiên, đứng trước hoàn cảnh và yêu cầu phát triển mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, tự thân vươn lên và cũng để đóng góp nhiều hơn vào đời sống kinh tế-xã hội. Nghị quyết số 41-NQ/TW với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Bên cạnh niềm vui, phấn khởi khi Ðảng ta đã tiếp tục có một nghị quyết mới về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ nhiều trăn trở và mong muốn nghị quyết nhanh chóng được cụ thể hóa, sớm đi vào đời sống sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh khó khăn vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp.
Bởi theo một khảo sát năm 2022 của VCCI, những khó khăn hàng đầu doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng với khoảng 55,6% số doanh nghiệp phản ánh. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây (năm 2017 tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng là 49,4%, đến năm 2022 giảm đáng kể xuống còn 17,8%).
Cùng với đó, 55,1% số doanh nghiệp cho biết tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn thứ hai khi tỷ lệ doanh nghiệp có khách hàng ở nước ngoài đã giảm mạnh từ năm 2019. Ðặc biệt, vẫn còn tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính chủ chốt khi có tới 71,7% số doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, cao hơn đáng kể so với con số 57,4% của năm 2021.
Phát biểu trong cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, vất vả trong thời gian qua và khẳng định, Chính phủ sẽ cụ thể hóa Nghị quyết số 41-NQ/TW trong thời gian tới để cùng với doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đúng hướng.
Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”.
Ðồng thời, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường an toàn, lành mạnh, minh bạch như: thị trường vốn, bất động sản, lao động, đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dựa trên chất lượng, hiệu quả, dựa vào đổi mới sáng tạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế; phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết hợp tác với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam. Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Ðảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và tin tưởng vào doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển cùng đất nước, chung tay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn:https://nhandan.vn/phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-doanh-nhan-thoi-ky-moi-post777369.html
Ý kiến ()