Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) không thể không kể đến vai trò của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, doanh nghiệp đóng một vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
là giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành (Ảnh: BT)
Theo Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Tăng Minh Lộc, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn. Nhiều doanh nghiệp tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn với thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tổ chức liên kết với nông dân, các tổ chức của nông dân chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản, tham gia phát triển chuỗi giá trị, khai thác, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản… Thêm vào đó, góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nên các đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Cùng với các hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ xây dựng NTM vật liệu làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, trường học, sân thể thao, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho người nghèo và gia đình chính sách, ủng hộ giống cây trồng, vật nuôi cho người nghèo,…Gần 5 năm qua, tổng mức vốn huy động cho xây dựng NTM trên cả nước đạt 851.854 tỷ đồng, trong đó vốn các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp vào xây dựng nông thôn mới đạt 4,9% (tương đương 20.408 tỷ đồng). Thực tế khẳng định để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, đẩy nhanh tái cơ cấu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển hạ tầng, làm đẹp cảnh quan nông thôn…rất cần đến vai trò đầu tàu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn khá hạn chế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp; tổng vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động. Về khu vực địa lý, đa số các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (72,2%), các khu vực khó khăn khác như Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên ở mức rất thấp (tương ứng với 7% và 11%).
Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp nông lâm thủy sản có nhiều lợi thế nhưng đây vẫn là lĩnh vực chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Các yếu tố được xem là cản trở chủ yếu đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là quy hoạch thiếu ổn định, hạ tầng cơ sở khó đảm bảo sản xuất, chất lượng lao động nông thôn thấp, khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, khó giải phóng mặt bằng…
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương Tăng Minh Lộc, cần triển khai các giải pháp về chính sách hiệu quả. Trong đó, về đất đai, Chính phủ cần xác định giá đền bù ruộng đất cho nông dân thỏa đáng, đảm bảo cuộc sống và tạo việc làm cho nông dân ít nhất 2 năm sau khi giao ruộng; giá đất đền bù cần tính toán kỹ để thống nhất và ổn định lâu dài trong khoảng ít nhất 10 năm, đảm bảo cho người dân yên tâm sau khi giao đất cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân các tỉnh cần là trọng tài trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân để tránh cho doanh nghiệp vừa phải trả tiền dân, vừa phải trả tiền thuê đất tại mảnh đất vừa mua.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cần hỗ trợ mạnh hơn vào hạ tầng cơ bản cho các dự án đầu tư vào nông sản chủ lực với quy mô lớn, phù hợp đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như của các tỉnh, thành phố. Trong đó, cần hồ trợ ít nhất 20% chi phí xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản thiết thực cho các dự án đầu tư; đối với trồng trọt là các đường trục chính, thủy lợi, điện sản xuất, giao thông, chi phí cải tạo đồng ruộng, kho lạnh bảo quản nông sản. Đối với chăn nuôi là đường điện đến khu chăn nuôi tập trung, hệ thống xử lý chất thải. Với nuôi trồng thủy sản là đường điện, giao thông chính dẫn đến khu sản xuất.
Cần có gói tín dụng riêng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có thêm một số chính sách hỗ trợ cho đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí đào tạo nghề của doanh nghiệp, đào tạo nông dân tham gia vào liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Cải cách các thủ tục hành chính còn đang làm khó cho doanh nghiệp, trong đó, công khai các chính sách và lộ trình thực hiện các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp dễ thực hiện và giám sát quá trình thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, định hướng quá trình xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 cũng cần hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các xã (nhất là giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế), đảm bảo kết nối hiệu quả với hệ thống hạ tầng ở các huyện, tỉnh. Đầu tư phát triển hạ tầng được coi là khâu đột phá để tăng hưởng thụ trực tiếp của cư dân nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, tập trung vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình trọng tâm, cấp bách phục vụ tái cơ cấu. Ưu tiên cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cơ bản thuận lợi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp; xác định rõ các quy hoạch dài hạn về nông nghiệp gắn với đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Mặt khác, điều chỉnh lại tổ chức và chính sách về nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, thúc đẩy lĩnh vực này theo hướng gắn kết chặt với sản xuất và thương mại, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, có thị trường khoa học công nghệ…Thực hiện dạy nghề theo dự án sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp dạy nghề cho lao động tại các dự án liên kết với nông dân.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác – cầu nối liên kết nông dân và doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân nông thôn tham gia vào xây dựng NTM và tái cơ cấu, đồng thời khuyến khích mạnh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()