Phát huy vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong phát triển thương mại, dịch vụ
Các cơ sở bán lẻ phải có liên kết với cơ sở sản xuất và Nhà nước phải có chính sách liên kết doanh nghiệp sản xuất với đối tượng phân phối, tập trung vào xây dựng chuỗi cung ứng, hình thành cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, cần phải xác định được doanh nghiệp đầu đàn để “chỉ huy” sự phát triển của từng ngành, từng sản phẩm.
Đó là một trong những nhận định được được ra tại Hội thảo: Vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong phát triển thương mại, dịch vụ do Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/5, tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia
Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, từ năm 2011 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006 – 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này luôn cao gấp 1,5 – 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Nhưng có một thực tế hiện nay là, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại trong nước chưa được quan tâm đúng mức, sự quan tâm đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng bán buôn, bán lẻ còn nhiều khó khăn, trong khi ngành bán lẻ trong nước có tốc độ tăng trưởng khá mạnh nhưng lại đang đứng trước nguy cơ bị các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thôn tính.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Hoàng Thọ Xuân cho rằng, trong hoạt động bán lẻ Việt Nam chưa có chương trình phát triển tổng thể để phát triển các kênh phân phối. Các quy định, chính sách hay nguồn tài chính cho hoạt động này cũng nằm rải rác trong nhiều chương trình, chính sách khác nhau.
Theo phân tích của PGS.TS. Hoàng Thọ Xuân, người phân phối sẽ nắm rõ nhu cầu của thị trường và điều này sẽ chi phối lại quá trình sản xuất. Do đó, các cơ sở bán lẻ phải có liên kết với cơ sở sản xuất và Nhà nước phải có chính sách liên kết doanh nghiệp sản xuất với đối tượng phân phối, tập trung vào xây dựng chuỗi cung ứng, hình thành cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, cần phải xác định được doanh nghiệp đầu đàn để “chỉ huy” sự phát triển của từng ngành, từng sản phẩm.
PGS.TS. Hoàng Thọ Xuân cũng lưu ý các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nên tập trung khai thác thị trường nông thôn, bởi đây là thị trường rất nhiều lợi thế tiềm năng cho phát triển thị trường Việt và hàng Việt. Cùng với đó, việc quản trị theo chuỗi sẽ trợ giúp đắc lực cho chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý chất lượng hàng hóa, đặc biệt là kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, phát triển các chuỗi cung ứng là con đường hợp thời nhất để có ngành thương mại hiện đại trong một thị trường hiện đại.
Chung quan điểm đó, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ trong nước thời gian qua vô cùng sôi động. Tuy nhiên, hạ tầng thương mại hiện nay lại đang gặp rất nhiều khó khăn, mô hình các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… cấp vùng rất ít, đa phần tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các quận nội thành, việc phát triển quy mô rộng vẫn còn hạn chế.
“Hạ tầng thương mại của Hà Nội với 22 trung tâm thương mại, 128 siêu thị lớn, trong khi tốc độ phát triển hạ tầng thương mại điện tử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Thực tế là doanh nghiệp trong nước xin phát triển hệ thống bán lẻ không được, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ của nước ngoài lại phát triển rất mạnh mẽ”, bà Lan chỉ rõ.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng thẳng thắn nêu ra một thực tế, đó là việc sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ. Hơn nữa, công tác quản lý chất lượng sản phẩm ở nhiều khâu còn hạn chế. Thậm chí còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, do các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo hướng tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm…
Dưới góc độ là cơ quan quan quản lý, ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh…) ở nước ta tuy tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố,thị xã, thị trấn. “Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh,hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ và địa bàn nông thôn chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài do quy mô nhỏ, khả năng sinh lợi ít. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thương mại chưa được quan tâm, vốn đầu tư thực hiện của khu vực kinh tế nhà nước cho thương mại trong nước không đáng kể và có xu hướng giảm dần”, ông Hội nêu rõ.
Chính vì thế, ông Hội cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()