Phát huy vai trò của báo chí trong bảo tồn thiên nhiên hoang dã
Nhân ngày Tê giác thế giới (22/9), chiều 22/9, tại Hà Nội, Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã -TRAFFIC tổ chức đã tổ chức tọa đàm về vai trò của các cơ quan báo chí Việt Nam trong việc bảo vệ thiên nhiên, động thực vật hoang dã.
Đây là hoạt động nhằm kêu gọi giới truyền thông tham gia bảo vệ động, thực vật hoang dã, trong đó có tê giác và voi.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cùng các Đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ và các nhà báo, phóng viên trong và ngoài nước.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia tiêu thụ và trung chuyển các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã trong đó có sừng tê giác và ngà voi. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm động, thực vật hoang dã chính là nguyên nhân khiến cho các hoạt động săn bắn, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép ngày càng gia tăng.
Từ năm 2014, tổ chức TRAFFIC đã phối hợp với nhiều cơ quan quản lý nhà nước triển khai nhiều hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã trong đó có sừng tê giác tới các nhóm đối tượng chính sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. Trong các hoạt động này, sự tham gia của các cơ quan báo chí Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phản đối hành vi buôn bán và tiêu thụ động, thực vật hoang dã tới các đối tượng sử dụng chính và toàn bộ cộng đồng trong xã hội.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các nhà báo, phóng viên đã chia sẻ về trách nhiệm xã hội trong bảo tồn thiên nhiên hoang dã, tầm quan trọng của thế giới hoang dã. Các đại biểu đã cung cấp thêm số liệu về tình hình tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã cũng như những phương pháp và cách tiếp cận để thông qua đó báo chí Việt Nam có thể hỗ trợ và thúc đẩy toàn xã hội tham gia bảo vệ động, thực vật hoang dã.
Bà Madelon Willemsen, đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: “Nhu cầu sử dụng các sản phẩm động thực vật hoang dã chính là nguyên nhân khiến cho các hoạt động săn bắn, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Hơn bao giờ hết, sự tham gia của các cơ quan báo chí Việt Nam sẽ góp phần hình thành những giá trị và chuẩn mực đạo đức thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc buôn bán và tiêu thụ trái phép động thực vật hoang dã tại Việt Nam, đồng thời cung cấp những thông tin và công cụ cần thiết để mỗi người dân Việt Nam có thể tham gia bảo vệ các giống loài hoang dã”.
Ông Bùi Ngọc Mạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ, Nghiên cứu Khoa học và Tư liệu, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Tổ chức TRAFFIC thực hiện các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho các báo cáo viên về những nguy cơ tiêu cực từ hành vi buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã tác động đến an ninh quốc gia, sự phát triển bền vững và ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; cũng như thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong công tác truyền thông thay đổi hành vi bảo tồn thiên nhiên hoang dã trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước và rộng rãi trong cộng đồng xã hội.
Ông Bùi Ngọc Mạnh chia sẻ: Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ có những chuyên trang, chuyên mục, những thời lượng nhất định với những hình thức phong phú nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên và môi trường, tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại động, thực vật hoang dã, hướng tới xây dựng một xã hội Việt Nam có lối sống văn minh và có trách nhiệm đối với các vấn đề về môi trường và xã hội”.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, cùng với các đơn vị, tổ chức và các cơ quan truyền thông – báo chí, VCCI mong muốn tạo nên sự thay đổi về nhận thức và hành vi tích cực bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đồng thời hình thành một cộng đồng doanh nhân, các nhà quản trị doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng những chính sách trách nhiệm xã hội gắn liền với công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã nhằm góp phần giảm thiểu nhu cầu buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam; hướng tới sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp Việt Nam và một môi trường sống tốt đẹp hơn./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()