Phát huy vai trò các Hội trong tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách kinh tế
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, chiều 11/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Phát huy vai trò của các Hội trong tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách kinh tế".
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Với góc độ MTTQ Việt Nam là trung tâm đoàn kết, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, thông qua Tọa đàm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn có thể lắng nghe ý kiến các Hội đại diện cho các nhà tổ chức, xây dựng chính sách, khoa học về kinh tế để góp ý cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và giám sát thực hiện các chính sách kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: TH) |
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký kết với nhiều bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội thành viên để giám sát việc thực hiện chính sách người có công; việc chi trả bảo hiểm y tế trong các loại hình doanh nghiệp; việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà thuốc tư nhân… Sắp tới, MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội thành viên giám sát việc hỗ trợ, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; việc thực hiện Luật Khoa học và công nghệ, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ. Đây là những vấn đề được nhân dân quan tâm nên MTTQ sẽ tích cực triển khai.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn các tổ chức thành viên liên quan đến lĩnh vực kinh tế, các nhà khoa học sẽ tham gia đóng góp ý kiến để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn nội dung thực hiện giám sát liên quan đến kinh tế; đề xuất giải pháp để góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, để phát huy vai trò của các Hội trong tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách kinh tế cần nhấn mạnh đến vai trò công tác truyền thông; nâng cao bản lĩnh và năng lực của cán bộ; tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát và phản biện xã hội; xác định đối tượng cần tập trung giám sát và phản biện…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm cho rằng, thời gian qua, việc tham gia xây dựng và giám sát chính sách đã được thực hiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Công tác giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế bởi đây là công việc mới, chưa có tiền lệ, kinh nghiệm; trình độ, năng lực, bộ máy và kinh phí của các thành viên Mặt trận, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn có hạn… Ông Cao Sỹ Kiêm đề xuất, trước hết cần xác định rõ về quan điểm và mục tiêu giám sát của MTTQ Việt Nam là xem xét tính phù hợp, hiệu quả của các cơ chế, chính sách đã, sẽ ban hành cũng như mức độ tuân thủ cơ chế, chính sách của các đối tượng có liên quan, từ đó có kiến nghị cụ thể. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần nghiên cứu để xác định lĩnh vực, đối tượng để thực hiện giám sát và phản biện, trước hết tập trung vào những lĩnh vực “nóng” và có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của người lao động và sự quan tâm của xã hội hiện nay…
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhấn mạnh đến việc xây dựng một kế hoạch truyền thông cụ thể và sâu rộng trong quá trình giám sát, phản biện. Truyền thông không chỉ phản ánh mang tính đại diện, không chỉ là sự đồng thuận mà phải thấy được cả sự khác biệt. Giám sát, phản biện mang tính đại diện nhưng phải phản ánh được cả sự gai góc của vấn đề. Những người tham gia trực tiếp vào công tác giám sát, phản biện xã hội phải là các chuyên gia về từng lĩnh vực. Việc giám sát, phản biện phải đúng luật, có tính tích hợp và tính khả thi.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, giám sát, phản biện là chủ đề hay, tạo được bầu không khí dân chủ trong phát triển kinh tế – xã hội, do đó cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Việc giám sát cần làm theo từng nội dung, chuyên đề cụ thể. Để thực hiện việc giám sát có hiệu quả, MTTQ Việt Nam cần lập ra nhóm cung cấp, tiếp nhận thông tin truyền thông công khai minh bạch. Khi làm, phải có sản phẩm cụ thể, có nghiên cứu đặt hàng hoặc phối hợp nghiên cứu…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()