Phát huy vai trò “bà đỡ” cho nông dân
(LSO)- Trong những năm qua, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã làm tốt vai trò “bà đỡ”, giúp nâng cao giá trị sản phẩm cũng như đổi mới hình thức tổ chức sản xuất cho nhà nông.
Chăm sóc vườn bưởi tại HTX sản xuất cây ăn quả thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến
Khoảng 10 năm trở về trước, hàng chục héc ta đất canh tác của người dân xã Cai Kinh thường bỏ không vào vụ đông. Tiếc đất để không, người dân thì không có việc làm, anh Trần Ngọc Oánh, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp xã Cai Kinh đã chủ động xuống tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Sau đó anh đã chủ động ký hợp đồng với doanh nghiệp và đưa giống khoai tây mới về trồng ở xã. Có được sự liên kết chặt chẽ, người dân yên tâm sản xuất mà không lo về giá cả, tiêu thụ. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, trên địa bàn xã trồng được 11 đến 13 ha khoai tây, trừ chi phí lãi khoảng 55 triệu đồng/ha.
Bên cạnh cây ngắn ngày, hiện nay HTX còn tập trung sản xuất các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đứng ra tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và tạo chuỗi giá trị sản phẩm, người dân chỉ cần yên tâm tập trung vào sản xuất. Hiện nay, HTX có trên 200 thành viên, hằng năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 1.000 tấn củ, quả các loại, doanh thu bình quân của HTX đạt trên 50 tỷ đồng/năm.
Tương tự HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp xã Cai Kinh, từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX Sản xuất cây ăn quả thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ” giúp các hộ thành viên nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Văn Báo, Giám đốc HTX chia sẻ: Năm 2017, HTX chính thức đi vào hoạt động với 20 thành viên, ngành nghề chính là sản xuất các loại cây ăn quả như bưởi, na, táo… Trước khi tham gia vào HTX, các hộ dân cũng đã trồng cây ăn quả. Tuy nhiên sản xuất vẫn manh mún, đơn lẻ, năng suất, chất lượng cũng như giá cả thất thường. Từ khi vào HTX, các hộ thành viên được tập huấn khoa học kỹ thuật, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, được nhà nước hỗ trợ vật tư để sản xuất tập trung theo hướng VietGAP. Sản xuất tập trung với số lượng lớn, an toàn nên thương lái vào tận vườn để thu mua, người dân không lo khâu tiêu thụ. Giá trị cây ăn quả cũng tăng lên rõ rệt, đặc biệt là cây bưởi có giá trị tăng lên từ 1,5 đến 2 lần. Thấy được hiệu quả mà HTX đem lại, số hộ xin tham gia vào HTX ngày một tăng.
Cùng với 2 HTX kể trên, trong những năm qua, một số HTX nông nghiệp khác trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã không ngừng nỗ lực, từng bước vươn lên phát triển trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân. Điển hình như HTX Sản xuất và cung ứng dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng, HTX Cây ăn quả và dịch vụ nông nghiệp Cửu Long, HTX Đào cảnh xã Minh Hòa, HTX Cây ăn quả, đào cảnh, cây giống lâm nghiệp Sơn Hà….
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 18 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong những năm qua, các HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó để phát huy nội lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tạo chuỗi liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị nông sản cho người nông dân.
Bên cạnh sự chủ động của các HTX, những năm qua, huyện đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp các HTX nông nghiệp hoạt động đi vào thực chất, hiệu quả. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2019, bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã triển khai 19 mô hình phát triển sản xuất với kinh phí 6,5 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhiều HTX, tổ hợp tác nông nghiệp ở các xã. Bên cạnh đó, hằng năm, huyện còn phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ, thành viên HTX… Đặc biệt vào ngày 23/11/2019, huyện Hữu Lũng đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm: măng Bát độ, nem nướng và quả tươi Hữu Lũng. Từ đó tạo động lực, điều kiện để các HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho hộ thành viên.
TÂN AN - DUY PHÁT
Ý kiến ()