Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro. Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng là yếu tố rất quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Kiểm soát nợ công và bội chi ngân sách
Điểm lại nguồn lực tài chính phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2019-2024, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, năm 2020-2021, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tài khóa tương đương 1,8% GDP cùng các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và các biện pháp khác, tương đương khoảng 1% GDP.
Đến năm 2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được ban hành với quy mô khoảng 342 nghìn tỷ đồng và năm 2024 tiếp tục có thêm một số gói hỗ trợ được bổ sung. Nhờ đó, kinh tế-xã hội được phục hồi khá nhanh, giảm tình trạng thất nghiệp, an ninh xã hội được bảo đảm hơn.
Từ năm 2022, kinh tế Việt Nam đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng ổn định và thuộc top cao trong khu vực. Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định giai đoạn 2019-2024, Chính phủ đã kiểm soát nợ công và bội chi ngân sách nhà nước theo đúng mục tiêu đề ra.
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và định chế tài chính quốc tế đánh giá rủi ro của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình. Tuy nhiên, trong giai đoạn này cũng bộc lộ những điểm bất cập trong cấu trúc các nguồn vốn cho nền kinh tế khi quá phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, huy động vốn qua kênh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong ngắn hạn.
Từ năm 2020-2023, tổng quy mô các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất là khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 185 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong 7 tháng ước đạt 87,2 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian đưa ra gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có để phục hồi kinh tế-xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách. Trong đó có việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 1/7/2022, đẩy mạnh thu thuế qua hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...
Vì vậy trong giai đoạn 2021-2023, tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng tổng thu ngân sách nhà nước vẫn có những kết quả tích cực, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ ổn định kinh tế-xã hội. Thực tế này cho thấy các chính sách tài khóa được ban hành đã thật sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Về phân bổ các nguồn lực, ông Nguyễn Như Quỳnh thông tin, chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước những năm qua tăng mạnh cho đầu tư công để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng. Tính riêng năm 2023, tổng vốn đầu tư công được bố trí lên đến 725 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm trước và kết quả giải ngân đạt gần 95%. Kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước đã góp phần tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những năm qua.
Sớm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sử dụng các nguồn lực tài chính vẫn còn những điểm hạn chế như khâu thực thi chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội còn chậm; hiệu quả đầu tư của khu vực Nhà nước còn thấp, giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm và chưa đồng đều; thị trường bất động sản, thị trường vốn chưa thật sự bền vững…
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, TS Cấn Văn Lực kiến nghị đối với chính sách tài khóa, cần thực thi hiệu quả các chương trình, gói hỗ trợ; cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư. Đối với đầu tư công, cần rà soát, phân bổ cơ cấu đầu tư hợp lý hơn, dành nhiều nguồn lực hơn cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời cải cách khu vực tài chính, phát triển thị trường tài chính đồng bộ và cân bằng, giảm bớt áp lực vốn tín dụng trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Đối với chính sách tiền tệ, vấn đề quan trọng là đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu nhằm giảm chi phí, lành mạnh hóa hệ thống và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả chính sách, nhất là chính sách tín dụng đầu tư phát triển và phối hợp tốt hơn nữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác. TS Cấn Văn Lực một lần nữa nhắc lại đề xuất xem xét thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia nhằm nâng cao năng suất lao động, góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng, phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư PPP, không chỉ thu hút đầu tư PPP trong các dự án hạ tầng như hiện nay mà cần mở rộng sang các dự án tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công có ý nghĩa chiến lược.
Đồng thời tạo cơ chế về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các tập đoàn tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp nhận vốn từ các thị trường quốc tế, mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn nước ngoài. Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ kỹ thuật tài chính và tư vấn chuyên sâu, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đáng lưu ý, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị sớm thành lập trung tâm tài chính quốc tế để huy động nguồn lực tài chính và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Thông qua việc kết nối làm việc với các tổ chức tài chính tại Hoa Kỳ, Anh, Singapore, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, hiện nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh nếu Việt Nam có cơ chế mở và đột phá hơn.
Để trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu 6-6,5% liên tục trong 20 năm tới. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động, quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đang tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan, các chuyên gia kinh tế nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW.
Ý kiến ()