Phát huy và bảo tồn nét đẹp văn hoá “hát sli“ tại các lễ hội
LSO-Hát sli là một làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Nùng Cháo có sli Slình làng; Nùng Phàn Slình có hát sli xoong hầu (sli đối đáp giữa 2 người, hoặc 2 tốp nam và tốp nữ).
Hát sli dân tộc Nùng Phàn Slình thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người với những lời sli ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý. Trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới… hát sli có một ý nghĩa quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người mà có thể chưa quen biết với nhau. Từ xa xưa, biết bao các các thế hệ người Nùng đã duy trì loại hình hát sli trong các sự kiện; hát sli để tỏ tình yêu nhau; thông qua hát sli tại lễ hội, biết bao đôi thanh niên đã bày tỏ tình cảm qua các làn điệu dân ca đằm thắm mà nên vợ, nên chồng…
Hát sli tại ngày hội ở khuôn viên Tượng đài Hoàng Văn Thụ |
Trước năm 1986, tại các lễ hội trên địa bàn Lạng Sơn, hát sli đã trở thành quen thuộc trong đời sống đồng bào các dân tộc. Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, cộng với sự nhận thức không đầy đủ của một số bộ phận dân cư nên loại hình hát sli có phần bị lãng quyên. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình văn hoá hát sli bắt đầu được quan tâm. Năm 2003, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tư 40 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, tiến hành nghiên cứu bảo tồn hát sli Phàn Slình tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Đến năm 2010, Hội Bảo tồn Dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ra đời và tiến hành giao nhiệm vụ cho các hội viên vận động những người hát sli lâu năm ở khắp các vùng quê vào các câu lạc bộ (CLB) hát sli; các CLB trực thuộc Hội Bảo tồn dân ca tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 CLB với số hội viên dao động từ 600- 800 hội viên. Số hội viên chủ yếu từ 45-70 tuổi tập trung ở các xã thuộc địa bàn: Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn. Trong 3 năm qua, công tác bảo tồn duy trì hát sli tại một số lễ hội, chợ hội được duy trì. Đáng kể là chợ hội xuân Xứ Lạng ngày 22 tháng Giêng năm 2010, các hội viên Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đi kêu gọi vận động những người đã từng hát sli tham gia ngày hội hát sli tại khu vực Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ngày hội hát sli đã thu hút trên 1.000 người tham gia; trong đó có trên 100 người từ huyện Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang đã tham dự hội hát sli.
Hát sli mang nặng âm hưởng dân ca với các bài cỏ lẩu, hát đối đáp, bài chúc mừng và nhiều bài tự biên, trong thời gian chỉ vài chục giây để theo kịp diễn tiến của cuộc hát đối đáp. Một lễ hội sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Nùng được phục hồi và duy trì đều đặn trong các sự kiện, lễ hội truyền thống như: ngày mừng nhà mới, lễ cưới, ngày hội 22, 27 tháng Giêng, ngày chợ 12 tháng tám âm lịch, ngày Quốc khánh 2/9 và các ngày hội lồng tồng của địa phương… Tại các nơi tụ hội, những người hát sli lại hẹn hò nhau đến với hội để được bày tỏ tâm tình qua các làn điệu đằm thắm thiết tha; rồi cuối hội, họ lại chia tay nhau mặn mà trong lời hẹn phiên chợ hội sau lại gặp nhau chia sẻ qua làn điệu hát sli.
Theo bà Lâm Bích Liêm, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Sau 3 năm vận động những người hát sli tham gia vào các CLB hát sli và tham dự các ngày hội hát sli tại thành phố Lạng Sơn và các ngày hội “lồng tồng” của các địa phương, phong trào hát sli đã được duy trì khá đều đặn. Điều mà bà Liêm cũng như Hội bảo tồn dân ca tỉnh băn khoăn là làm sao vận động được lớp người trẻ tham gia hát sli; tổ chức biên soạn giáo trình và mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ; đây là lớp người kế cận lưu giữ và phát huy các làn điệu hát sli.
PHAN CẦU
Ý kiến ()