Phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh
May hàng xuất khẩu ở Công ty cổ phần may Sông Hồng (Nam Định). Là vùng đất cổ từ thời Hùng Vương, Nam Định còn là đất phát tích và gắn liền suốt 175 năm trị vì của vương triều Trần, một trong những triều đại hưng thịnh nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), cách đây tròn 750 năm, Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông cùng với quan gia ngự về hương Tức Mặc, ban chiếu thăng hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, bao gồm miền hữu ngạn hạ lưu sông Hồng (nay thuộc tỉnh Nam Định) và một phần tả ngạn thuộc huyện Thư Trì - phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Trong đó, Tức Mặc là thủ phủ. Từ đây, Thiên Trường trở thành trung tâm quyền lực của đất nước, vị thế chỉ sau kinh thành Thăng Long và được coi là thành trì vững bền của Nhà nước Đại Việt. Trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, nhà Trần đã huy động được sức mạnh của cả dân tộc đánh bại kẻ thù hung bạo nhất...
May hàng xuất khẩu ở Công ty cổ phần may Sông Hồng (Nam Định). |
Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), cách đây tròn 750 năm, Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông cùng với quan gia ngự về hương Tức Mặc, ban chiếu thăng hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, bao gồm miền hữu ngạn hạ lưu sông Hồng (nay thuộc tỉnh Nam Định) và một phần tả ngạn thuộc huyện Thư Trì – phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Trong đó, Tức Mặc là thủ phủ. Từ đây, Thiên Trường trở thành trung tâm quyền lực của đất nước, vị thế chỉ sau kinh thành Thăng Long và được coi là thành trì vững bền của Nhà nước Đại Việt. Trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược, nhà Trần đã huy động được sức mạnh của cả dân tộc đánh bại kẻ thù hung bạo nhất ở thế kỷ 13. Thắng lợi vĩ đại của quân, dân nhà Trần đã ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc những trang vàng chói lọi chiến công với tên người, tên đất mãi mãi là niềm tự hào đối với các thế hệ người Việt Nam.
Vào những năm thập niên đầu của thế kỷ 13, khi mới thay triều Lý, trị vì đất nước, triều Trần một mặt phải đối phó với nạn cát cứ triền miên, muôn dân đói khát. Mặt khác, trong bối cảnh ấy, đế quốc Nguyên Mông sau khi tung vó ngựa thôn tính các quốc gia châu Âu, châu Á đã từ phương bắc tràn xuống đánh chiếm nước Đại Việt. Cả dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Vương triều Trần đã ba lần đại thắng đế quốc Nguyên Mông. Vị thống soái tối cao, linh hồn của ba cuộc kháng chiến thần thánh đó chính là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trước họa xâm lăng, triều Trần đã đặt mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền của sơn hà xã tắc lên trên hết. Trước hết, gạt bỏ mọi tư thù, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước đánh giặc, toàn dân là lính, đề cao ý chí quyết đánh, quyết thắng, tinh thần tự lực, tự cường của con dân Đại Việt để tạo nên sức mạnh vô địch, đập tan các thế lực xâm lược dù là hung bạo nhất. Đó là hào khí Đông A đã được nhà Trần hun đúc nên từ 750 năm trước đây. Với đường lối “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc, là thượng sách giữ nước”, vương triều Trần đã đưa nước Đại Việt vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất so với trước đó. Nạn cát cứ được dẹp tan. Thể chế của Nhà nước độc lập tự chủ được hoàn thiện thêm một bước; dân được an cư, lạc nghiệp. Dân khí được chấn hưng, nhân tài được khuyến khích. Văn học, nghệ thuật được phát triển hết sức rực rỡ, trở thành những viên ngọc quý trong kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà với những áng hùng văn thiên cổ như Hịch Tướng sĩ của Trần Hưng Đạo.
Cùng với đồng bào, đồng chí trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định đời đời biết ơn các danh tướng, danh nhân văn hóa tiêu biểu thời Trần: Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Đán, Phạm Ngũ Lão… và người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản; các đức vua anh minh Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông… Đặc biệt, cả dân tộc ta tự hào, ngưỡng mộ, suy tôn đức vua Trần Nhân Tông là Phật hoàng, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần và thờ phụng ở khắp các địa phương trong cả nước.
Thiên Trường là nơi khai sinh, nuôi dưỡng, bồi đắp những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời Trần, trong đó có những công trình kiến trúc độc đáo như Chùa Tháp Phổ Minh, các Cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa và nhiều dinh thự đền đài còn in dấu tích trong hàng nghìn di chỉ khảo cổ; các lễ hội dân gian đa dạng, phong phú như lễ rước kiệu, hát chèo, hát chầu văn, múa bài bông, lễ khai Ấn, lễ hội Phủ Dầy, chùa Keo… còn được lưu truyền, lan tỏa cho tới ngày nay. Trong 175 năm trị vì, nhà Trần đã mở được 16 khoa thi, đây chính là mốc khởi đầu hun đúc nên truyền thống hiếu học của các thế hệ người dân Nam Định. Nhiều nhân tài kiệt xuất với trí tuệ và học vấn uyên bác từ đây đã làm rạng danh đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, tiêu biểu như: thần đồng Trạng nguyên Nguyễn Hiền, thầy trò Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích… Một giá trị văn hóa, tư tưởng đậm đà bản sắc dân tộc là Thiền phái Trúc Lâm do Thượng hoàng Trần Nhân Tông khai sáng.
Trong các triều đại phong kiến sau nhà Trần, mặc dù có nhiều lần thay đổi địa giới hành chính và tên gọi, như Thừa tuyên Sơn Nam, xứ Sơn Nam, trấn Sơn Nam, trấn Sơn Nam Hạ và đến năm 1831 mang tên tỉnh Nam Định, nhưng Thiên Trường-Nam Định vẫn là mạch nguồn xuyên suốt, vẫn giữ được vai trò trung tâm văn hóa, kinh tế, là “địa linh nhân kiệt”, góp phần hình thành và tỏa sáng các giá trị nhân văn của nhiều thế hệ người dân đất Việt.
Mang trong mình hào khí Đông A, từ những năm 20 của thế kỷ trước, Nam Định đã là một trong những chiếc nôi của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam. Và đây cũng là địa phương có tổ chức Đảng Cộng sản sớm nhất. Hai ngày sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, ngày 19-6-1929, Ban Tỉnh ủy lâm thời của tỉnh Nam Định đã được thành lập. Các lãnh tụ kiệt xuất của Đảng như Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Đức Thọ và các đồng chí Tống Văn Trấn, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, Song Hào… cũng được rèn luyện trong phong trào cách mạng của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Định đóng góp xứng đáng vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, với ý chí quyết thắng, Đảng bộ, quân và dân Nam Định đã đem tất cả nhân tài, vật lực vừa sản xuất, chiến đấu tại quê hương, vừa phục vụ cho chiến trường chống quân xâm lược. Hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm; hàng trăm nghìn mét vải; hơn 165 nghìn người con ưu tú đã được huy động cho tiền tuyến, trong đó gần 36 nghìn người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Trong những năm qua, với sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân, Nam Định đã giành được những thành tựu quan trọng trên con đường phát triển. Sau 15 năm tái lập tỉnh, tổng sản phẩm xã hội (GDP) tăng hơn tám lần và so với năm năm trước (giai đoạn 2005-2010) tổng GDP tăng 1,63 lần; GDP bình quân đầu người tăng hơn 2,6 lần; tỷ trọng công nghiệp dịch vụ chiếm hơn 70% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,5 lần. Sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Các hoạt động dịch vụ được mở rộng. Vốn đầu tư phát triển và sản xuất tăng gấp ba lần. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng đã và đang được đầu tư, có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%. Các lĩnh vực văn hóa- xã hội được quan tâm chăm lo và ngày càng phát triển toàn diện hơn. Ngành giáo dục – đào tạo của tỉnh nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc. Trong đó luôn ở trong số những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh đỗ đại học. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò hạt nhân của các tổ chức Đảng và đảng viên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao. Tình hình chính trị – xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.
Thành phố Nam Định đã và đang hình thành từng bước vai trò trung tâm của vùng nam đồng bằng sông Hồng, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Với những thành tích đạt được trong giai đoạn 2005 – 2010, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.
Trong những năm tới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát của tỉnh; trong đó cốt lõi là: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Củng cố khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự – an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động tạo dựng và nắm bắt thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Sớm xây dựng thành phố Nam Định trở thành trung tâm của vùng nam đồng bằng sông Hồng…”. Từ phương hướng, mục tiêu tổng quát này, Đảng bộ tỉnh đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Tập trung toàn lực xây dựng thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng và phát triển kinh tế biển để trở thành các vùng động lực kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển đột phá. Phát triển sản xuất nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo thế ổn định, vững chắc cho sự phát triển chung của tỉnh và bước phát triển mới của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng. Nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội, tạo động lực tinh thần cho quá trình phát triển của tỉnh. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ của tỉnh.
KỶ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định là dịp để Đảng bộ và nhân dân Nam Định ôn lại truyền thống vẻ vang của quê hương; tri ân tổ tiên, ông cha và lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên đã hy sinh xương máu để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Đồng thời, tạo nên động lực mới thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Nam Định tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn, thách thức, tạo được những bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn trên con đường xây dựng tỉnh Nam Định giàu mạnh, văn minh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()