Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng Lạng Sơn ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
- Cách đây 91 năm, giữa năm 1933, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được thành lập tại xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc). Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã lập nên nhiều kỳ tích và không ngừng nỗ lực, góp sức cùng cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, ghi nhận một hiện thực sinh động: Hạt giống đỏ của Đảng nảy mầm trên quê hương Xứ Lạng. Để rồi, từ khi có Đảng lãnh đạo, con đường đấu tranh của Nhân dân Lạng Sơn đã trở nên rõ ràng và nhanh chóng hòa vào dòng chảy lịch sử dân tộc.
Những chặng đường lịch sử vẻ vang
Lạng Sơn là cửa ngõ “phên dậu” của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng đồng bào cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, cuối năm 1931, đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp được 10 tổ chức quần chúng cách mạng với 30 người ở các làng biên giới thuộc châu Văn Uyên (nay là huyện Văn Lãng), từ đó mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng trong tỉnh.
Cuối năm 1932 đầu năm 1933, Đảng bộ đặc biệt Long Châu được thành lập, đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Phó Bí thư. Đầu năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu và có nhiệm vụ về Lạng Sơn tuyên truyền, vận động thanh niên sang dự các lớp huấn luyện ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).
Được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, tại đình Háng Pài, thôn Khòn Pheo, xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc), đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng – chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Thụy Hùng đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn.
Từ chi bộ đảng đầu tiên, các tổ chức đảng tại nhiều địa bàn trong tỉnh đã ra đời, lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển lớn mạnh, từ tự phát sang đấu tranh có tổ chức, từ đấu tranh đòi quyền tự do, dân sinh, dân chủ trở thành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940. Ngày 23/2/1941, tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (sau đổi tên là Đội Cứu quốc quân 1) chính thức được thành lập, gồm 32 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng. Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn là một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với phương châm “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh huy động tối đa nhân lực, vật lực phục vụ chiến đấu, góp phần lập nên chiến công vang dội trên đường số 4, chiến thắng biên giới năm 1950, giải phóng Lạng Sơn, mở đường kết nối cách mạng Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, tạo thêm thế và lực cho lực lượng kháng chiến làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Lạng Sơn phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng “vừa chiến đấu, vừa sản xuất”, với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Lạng Sơn là hậu phương vững chắc huy động sức người, sức của cho tiền tuyến, đồng thời là chiến trường ác liệt chống trả chiến dịch chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, là “Cảng nổi” tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em chi viện cho tiền tuyến, đóng góp quan trọng cho chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng cùng nhân dân cả nước khắc phục hậu quả, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, ổn định đời sống Nhân dân. Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía bắc năm 1979, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo quân và dân các dân tộc Lạng Sơn anh dũng, kiên cường trên tuyến đầu bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi thử thách, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện về các mặt. Trong giai đoạn 2021-2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, biến động của tình hình thế giới, tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì được tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 7,11%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 44,34 triệu đồng năm 2020 lên 59,8 triệu đồng năm 2023.
Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn và các đoàn thể nhân dân không ngừng được củng cố, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân để bảo vệ vững chắc địa bàn, chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Phát huy truyền thống cách mạng
Trải qua 91 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Tính đến tháng 3/2024, Đảng bộ tỉnh hiện có 684 tổ chức cơ sở đảng (308 đảng bộ cơ sở, 376 chi bộ cơ sở), tổng số trên 70 nghìn đảng viên. Tất cả các thôn, tổ dân phố, trạm y tế, trường học đều có tổ chức đảng và đảng viên, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện các địa bàn, lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên các mặt, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm thực hiện Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”;...
Kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong 91 năm qua, hiện nay Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Để triển khai nhiệm vụ, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, tập trung vào 7 chương trình công tác trọng tâm và 3 khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời, xây dựng và ban hành nhiều văn bản để thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Một diện mạo mới, hiện đại và đầy sức sống đang được định hình nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ và là thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa – giáo dục có sự chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên...
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh trong tỉnh tiếp tục được cải thiện đáng kể; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, càng củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh trong phát triển kinh tế tỉnh nhà trên con đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập để phát triển nhanh và bền vững.
Trong 91 năm qua, sắt son một niềm tin dưới sự lãnh đạo sáng suốt Đảng, quân và dân trong tỉnh đã và đang tiếp tục nỗ lực cống hiến, cùng dựng xây quê hương Lạng Sơn ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ý kiến ()