Phát huy truyền thống vẻ vang, vững bước đi lên trong thời kỳ mới
Ngày 12-9-1945, tổ chức Mật mã đầu tiên - tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam, được thành lập tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, ngày nay ngành Cơ yếu Việt Nam đã trở thành một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến các cơ quan đại diện của Việt Nam ở ngoài nước. Ngày 12-9-1945 là mốc lịch sử trong chặng đường vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, ngành Cơ yếu Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa nghiên cứu phát triển kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước qua các giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ngành Cơ yếu Việt Nam đã mưu trí, sáng tạo, không ngại gian khổ hy sinh, bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang (LLVT), góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá thành tích của ngành Cơ yếu Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, tại Hội nghị cán bộ Cơ yếu toàn quốc năm 1978, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Trong mấy chục năm qua chúng ta đánh giặc, chúng ta nắm chắc được và biết chắc được là những lúc quan trọng nhất, những vấn đề bí mật nhất của ta đều không bị lộ, các đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ bí mật, vào sức mạnh chung để giành thắng lợi”.
Bước vào thời kỳ mới, đất nước trên đường CNH, HĐH; xu thế hội nhập toàn cầu cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin – viễn thông và các ngành khoa học khác…, tạo nhiều thuận lợi và thời cơ mới, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức đối với ngành Cơ yếu trong việc bảo đảm các nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương được bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; trực tiếp là đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam, với lực lượng nòng cốt là các tổ chức Cơ yếu Quân đội, Công an, Ngoại giao, Đảng, chính quyền đã thu được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các mặt, tạo cơ sở vững chắc để đưa ngành tiến nhanh lên cơ bản, hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Ngành đã chủ động nắm bắt và dự báo chính xác tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về Cơ yếu, xây dựng lực lượng Cơ yếu phát triển cả về tổ chức, nhân lực và kỹ thuật, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước trong thời kỳ mới. Chỉ thị số 41-CT/TW (ngày 1-7-2004) của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác Cơ yếu phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”, Luật Cơ yếu năm 2011 và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, cùng nhiều văn bản dưới luật được ban hành trong thời gian qua là những định hướng quan trọng và cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu trong tình hình mới.
Trên cơ sở “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Cơ yếu Việt Nam đã tập trung triển khai chương trình phát triển hệ thống kỹ thuật, nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ngành tham gia có hiệu quả một số chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin như: Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ); “Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2015 – 2020” (Theo Quyết định số 260-QĐ/TW ngày 1-10-2014 của Ban Bí thư). Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, Ban Cơ yếu Chính phủ đang khẩn trương triển khai các giải pháp, sản phẩm bảo mật và an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu.
Ghi nhận công lao đóng góp quan trọng và rất vẻ vang của ngành Cơ yếu Việt Nam cho sự nghiệp chung của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ngành Cơ yếu Việt Nam Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (12-9-1945 – 12-9-2015), ngành Cơ yếu Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.
Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ bảo vệ thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các LLVT đặt ra cho ngành Cơ yếu nhiều thách thức to lớn và những yêu cầu mới. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”, ngành Cơ yếu Việt Nam tiếp tục chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, đường lối trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin, tăng cường công tác quản lý nhà nước về Cơ yếu theo các nội dung đã được xác định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cơ yếu và các văn bản pháp lý khác có liên quan; củng cố, phát triển các mạng liên lạc cơ yếu, bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã bảo đảm cho các hoạt động kinh tế-xã hội trong phạm vi cả nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… Các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”, toàn thể cán bộ, nhân viên toàn ngành nguyện đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục phấn đấu xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, thực hiện thắng lợi sứ mệnh vẻ vang của một ngành cơ mật đặc biệt, được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()