Ngày 28-8-1945, tại chiến khu Việt Bắc, bốn ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia; trong đó có Bộ Nội vụ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Kể từ đó, ngày 28-8-1945 đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Bộ Nội vụ trong Nhà nước cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ngay sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Bộ Nội vụ đã cùng với các bộ, ngành trong Chính phủ lâm thời tiến hành nghiên cứu, xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền cách mạng non trẻ, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách như tổng tuyển cử bầu Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp đầu tiên, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ công chức cách mạng… Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bầu ra Chính phủ mới. Trong cơ cấu của Chính phủ có Bộ Nội vụ với nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát và tình báo về hành chính và chính trị, làm công tác trị an, pháp chế hành chính, thông tin tuyên truyền, quản lý công chức, dân tộc thiểu số; quản lý việc lập hội và các vấn đề tôn giáo, đảm nhiệm vai trò là cơ quan trung ương của ngành Tổ chức nhà nước, thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, thiết lập chế độ công chức mới, phù hợp với điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, Bộ Nội vụ đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc giải quyết những vấn đề mới trong công tác tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, công vụ, góp phần vào việc nhanh chóng củng cố chính quyền, bảo đảm bộ máy nhà nước tổ chức, điều hành và động viên nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế.
Trong những năm 1960-1970, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ thực hiện vai trò là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý nhà nước và bảo đảm hoàn thành tốt công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước và công tác dân chính. Đến năm 1973, khi cách mạng liên tiếp giành nhiều thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để chuẩn bị cho một chiến lược mới của cách mạng, Hội đồng Chính phủ đã đổi tên Bộ Nội vụ thành Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức, cán bộ. Sau chiến thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ được bổ sung thêm nhiều và ngày càng hoàn thiện. Đến năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng quy định lại vị trí, chức năng, nhiệm vụ và đổi tên Ban Tổ chức của Chính phủ thành Ban Tổ chức – Cán bộ của Chính phủ. Quốc hội khóa IX, tại kỳ họp thứ nhất ngày 30-9-1992, đã quyết định Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang bộ. Đến Quốc hội khóa XI, tại kỳ họp thứ nhất ngày 5-8-2002, Quốc hội đã quyết định đổi tên Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ. Vai trò, vị trí và hệ thống tổ chức của ngành ngày càng được khẳng định, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 17-4-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; cơ yếu; văn thư, lưu trữ nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, có 20 đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 4 đơn vị sự nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ Nội vụ trở thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong suốt 65 năm qua, dù tổ chức bộ máy, tên gọi có khác nhau, nhưng lịch sử Bộ Nội vụ luôn luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của bộ máy nhà nước cách mạng, gắn liền với quá trình đấu tranh gian khổ, bền bỉ để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước theo yêu cầu trung thành, tận tụy, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thật sự là “công bộc” của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cách mạng qua mỗi thời kỳ lịch sử. Đồng thời, đã trực tiếp tham gia giải quyết nhiều công việc cụ thể do Đảng, Chính phủ giao trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ nhà nước, đóng góp vào những thành tựu chung của cả dân tộc. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Bộ và ngành nội vụ, cả trong những thời điểm gay go, ác liệt nhất, luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, hào hùng của Bộ.
Đánh giá cao sự phát triển và những cống hiến to lớn, Đảng và Nhà nước đã tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng cho Bộ Nội vụ. Nhiều đơn vị là các Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các bộ, ngành Trung ương, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ và các cá nhân cán bộ, công chức trong hệ thống ngành Tổ chức nhà nước đã được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng.
Những thành tựu và đóng góp của Bộ Nội vụ trong 65 năm qua bắt nguồn từ đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ và ngành Nội vụ. Vinh dự, tự hào với những thành tích to lớn và phần thưởng cao quý, cán bộ, công chức Bộ Nội vụ và toàn ngành tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu phát huy thành tích, ưu điểm, khắc phục những mặt yếu kém, bất cập, đề cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, thật sự là nòng cốt và chỗ dựa của công cuộc cải cách hành chính, góp phần quan trọng đưa đất nước tiến nhanh và bền vững. Những yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới đặt ra những nhiệm vụ mà Bộ và ngành Nội vụ phải thực hiện trong thời gian tới, đó là:
– Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng và hoàn thiện các thể chế về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả.
– Tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng hiện đại, tinh gọn và hợp lý; làm rõ và cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ có cơ cấu tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; khắc phục những chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương đi đôi với việc nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp.
– Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; tổng kết mô hình tổ chức của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình phù hợp, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp.
– Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tận tụy, thật sự là công bộc của dân. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo đảm người dân giám sát các cơ quan công quyền, xây dựng, kiểm tra bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức.
– Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Công khai các chuẩn mực, các quy định hành chính để nhân dân giám sát việc thực hiện. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
– Tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công nghệ hành chính; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành công tác tổ chức nhà nước. Quan tâm công tác hợp tác quốc tế trong tiến trình hội nhập, tiếp thu có chọn lọc khoa học, kinh nghiệm về xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao vị thế quốc gia…
Phát huy truyền thống vẻ vang, ý thức vai trò và trọng trách được giao trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, từ những bài học kinh nghiệm lịch sử, Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ tiếp tục vươn lên, củng cố và hoàn thiện tổ chức; rèn luyện đạo đức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ý kiến ()