Phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ
Cách đây 70 năm, ngày 28-8-1945, trong những năm tháng hào hùng của đất nước, Bộ Nội vụ đã được thành lập trong cơ cấu Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng đầu tiên. Từ đó ngày 28-8 trở thành ngày truyền thống vẻ vang của ngành tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ngay sau khi thành lập, Bộ Nội vụ được phân công lãnh đạo, theo dõi hai lĩnh vực công tác chính là tổ chức, xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Nội vụ giữ trọng trách bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tham gia mọi công tác chống thù trong, giặc ngoài. Năm 1953, ngành công an tách khỏi Bộ Nội vụ, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ tập trung vào xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước. Sau năm 1954, miền bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, đấu tranh thống nhất nước nhà, Bộ Nội vụ bắt tay ngay vào việc giải quyết những vấn đề mới trong công tác tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, công vụ, góp phần nhanh chóng củng cố chính quyền; tổ chức, tập hợp và động viên nhân dân khôi phục, phát triển sản xuất.
Từ năm 1960 đến 1969, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, trên cơ sở cơ cấu của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp 1959 và Nghị quyết của Quốc hội (QH), Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức và dân chính. Bộ đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Hội đồng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ, thể lệ và phê chuẩn thành lập các tổ chức thuộc thẩm quyền; về xây dựng và củng cố chính quyền địa phương các cấp; về quản lý địa giới hành chính; về tổ chức bầu cử; quản lý Trường hành chính Trung ương; thống kê lực lượng cán bộ, công nhân viên hành chính sự nghiệp; quản lý biên chế các cơ quan thuộc khu vực nghiên cứu sản xuất, chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ; chỉ đạo thực hiện chính sách đối với Việt kiều về nước; quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đến năm 1973, để chuẩn bị cho một chiến lược mới của cách mạng, công tác tổ chức cán bộ được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng. Hội đồng Chính phủ đã lập Ban Tổ chức của Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức, xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước trong tình hình mới. Sau chiến thắng 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện.
Năm 1990, sau bốn năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, thực hiện cải cách theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định quy định tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ thành Ban Tổ chức – Cán bộ của Chính phủ. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 30-9-1992, QH khóa IX đã quyết định Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; công chức, viên chức nhà nước; lập hội quần chúng và tổ chức phi chính phủ; phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia.
Ngày 5-8-2002, Nghị quyết số 22/2002/QH11 kỳ họp thứ nhất QH khóa XI đã quyết định đổi tên Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ. Chính phủ tiếp tục ban hành các Nghị định số 45/2003/NĐ-CP, Nghị định số 48/2008/NĐ-CP và Nghị định số 58/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Theo đó, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ có 18 đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và sáu đơn vị sự nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ Nội vụ là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong suốt 70 năm qua, lịch sử Bộ Nội vụ luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển bộ máy nhà nước cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH, đưa đất nước tiến lên giàu mạnh.
Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước, trong những thời điểm gay go, ác liệt nhất, luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, hào hùng của bộ và ngành. Ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc, Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Vinh dự, tự hào với những thành tích to lớn và phần thưởng cao quý, cán bộ, công chức Bộ Nội vụ và toàn ngành tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu phát huy thành tích, ưu điểm, khắc phục những mặt yếu kém, bất cập, đề cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, thật sự là nòng cốt của công cuộc CCHC, góp phần quan trọng đưa đất nước tiến nhanh và bền vững. Những yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới đặt ra những nhiệm vụ cụ thể mà bộ và ngành Tổ chức nhà nước phải thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Tham mưu giúp Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tập trung xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về hội.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước; cải cách chế độ công vụ, công chức để xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả phục vụ nhân dân.
Tổng kết đánh giá cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực, mô hình bộ chuyên ngành cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở.
Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT và người lao động trong doanh nghiệp theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27-5-2013 của Hội nghị T.Ư 7 khóa XI về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào thời điểm thích hợp.
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức và đào tạo bồi dưỡng theo chức danh, theo yêu cầu của vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong hoạt động công vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ.
Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, vận động đồng bào các tôn giáo đoàn kết, gắn bó, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao hiệu quả của công tác văn thư – lưu trữ trong việc điều hành, quản lý hành chính, xây dựng chế độ, chính sách và nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ; hoàn thiện thể chế phù hợp với thực tiễn; bảo đảm các hội hoạt động tuân thủ pháp luật, theo đúng tôn chỉ, mục đích. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các chương trình, đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các quá trình ra quyết định của các cấp chính quyền.
Phát huy truyền thống vẻ vang, dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân cả nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; vững bước tiến lên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()