Phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng Lạng Sơn ngày càng phát triển
LSO-Lạng Sơn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng và đối ngoại của cả nước, là đầu mối giao lưu giữa Việt Nam với Trung Quốc. Cùng với tiến trình đi lên của lịch sử dân tộc, từng tấc đất nơi đây đã ghi dấu những chiến công hiển hách trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Những địa danh nổi tiếng như: Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng, Mã Yên Sơn, Bắc Sơn, đèo Bông Lau, đường số 4... là những mốc son trong những trang sử vàng của dân tộc, trong lịch sử bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Thành phố Lạng Sơn trên đường đổi mới – Ảnh: THANH SƠN |
Phát huy tinh thần thắng lợi của chiến thắng Biên giới năm 1950, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đóng góp sức người, sức của cùng cả nước làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Lạng Sơn đã trở thành hậu phương vững chắc cho cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đã có rất nhiều chiến sĩ của quê hương Xứ Lạng có mặt trên khắp các mặt trận nóng bỏng, anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 – 1975), phát huy truyền thống đường số 4 rực lửa anh hùng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến. Hàng vạn thanh niên đã lên đường trực tiếp cầm súng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Lạng Sơn trở thành “cảng nổi” kiên cường, mãi mãi đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca, là ngọn đuốc sáng soi đường cho thế hệ trẻ tiếp bước đi lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập và công tác, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Trong 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 – 1985) trong bối cảnh vừa có hòa bình, lại phải bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới tháng 2/1979; Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn nêu cao ý chí kiên cường, đoàn kết, phục vụ chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công xuất sắc.
Từ năm 1986 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, yêu nước, biến quyết tâm thành hành động cách mạng, sáng tạo trong lao động sản xuất, đưa Lạng Sơn từ một tỉnh miền núi kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trở thành tỉnh có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân hằng năm đạt 8 – 9%. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có những thay đổi đáng kể. Các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, môi trường có nhiều tiến bộ; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và quân dân các dân tộc Lạng Sơn cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được và những bài học quý báu hơn 30 năm đổi mới sẽ là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Huy động tối đa các nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế để tạo ra những đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và vững chắc hơn. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước chuyển biến cơ bản về cơ cấu ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu thành phần kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại, dịch vụ, du lịch để tạo đột phá trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đẩy nhanh xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Tạo bước đột phá mới trong trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, chế biến nông lâm sản, cơ khí nhỏ, gia công, tái chế và sản xuất hàng xuất khẩu… Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý tài nguyên, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.
Kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng Lạng Sơn (17/10/1950- 17/10/2017) là dịp để tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương đất nước. Kế tục và phát huy truyền thống cao quý của các thế hệ cha anh đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, cán bộ, đảng viên và nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động sáng tạo, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2017. Cùng đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, góp phần đưa Lạng Sơn tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()