Phát huy truyền thống lịch sử, xây dựng Chi Lăng giàu đẹp, văn minh
Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng LSO-Chi Lăng nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, có tổng diện tích tự nhiên 70.421,9 ha, dân số khoảng 78.000 người, có 3 dân tộc chủ yếu là Nùng, Tày, Kinh và một số dân tộc khác, ngành sản xuất chủ yếu trên địa bàn huyện là nông - lâm nghiệp... Chi Lăng là vùng đất có lịch sử lâu đời, có tiềm năng lớn về du lịch với 112 di tích lịch sử, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đặc biệt là Khu di tích lịch sử Chi Lăng với 52 điểm được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962 - là nơi ghi dấu những trận thắng oanh liệt của cha ông ta trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Thuyết minh viên Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng hướng dẫn học sinh tham quan các hiện vật – Ảnh: NGỌC HIẾU |
Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng – nằm trên con đường huyết mạch ngoại giao duy nhất giữa 2 nước Việt – Trung, từ xa xưa, Chi Lăng luôn được các triều vua phong kiến và các nhà quân sự tài ba coi là vùng đất phên giậu, là điểm trấn ải biên cương trọng yếu của của Tổ quốc… Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Chi Lăng đã gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Thế kỷ X-XI, quân Tống sang xâm lược nước ta hai lần nhưng đều bị thất bại tại Ải Chi Lăng. Thế kỉ XIII, Chi Lăng là nơi ghi dấu ba lần thua trận nặng nề của quân xâm lược Nguyên – Mông. Thế kỉ XV, tại Ải Chi Lăng đã diễn ra trận đánh vang dội – trận chiến Chi Lăng ngày 10 tháng 10 năm Đinh Mùi -1427. Chiến thắng Chi Lăng đã ghi một mốc son chói lọi vào trang sử vàng của dân tộc, biểu thị nghệ thuật quân sự điêu luyện và tài thao lược kiệt xuất của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, của cha ông ta ở thế kỷ XV. Chiến thắng lịch sử đã chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh, mở ra một trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Từ mạch nguồn lịch sử truyền thống đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Chi Lăng đã phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, vượt qua khó khăn, quyết tâm phấn đấu, góp phần cùng nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chi Lăng hôm nay đang đổi thay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỷ trọng ngành công nghiệp – dịch vụ tăng lên. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư, xây dựng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố và giữ vững. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được thực hiện thường xuyên, hệ thống chính trị được củng cố.
Với những định hướng đúng đắn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng na thị trấn Chi Lăng, xã Chi Lăng, xã Quang Lang, thị trấn Đồng Mỏ…; vùng hồi ở Gia Lộc, Thượng Cường, các cây bưởi, cam, hồng, khoai tây, dưa hấu ở khu vực dọc quốc lộ, vùng trồng thuốc lá ở khu vực núi đá như: xã Y Tịch, Hòa Bình, Gia Lộc, Vạn Linh, Thượng Cường…. Chăn nuôi được duy trì, phát triển, nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, việc phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch luôn được quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó, các ngành dịch vụ phát triển đa dạng. Các loại hàng hóa, vật tư, thiết bị phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân đa dạng, phong phú về số lượng, chủng loại, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, thương mại được mở rộng; dịch vụ điện, nước… phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống. Hoạt động tín dụng, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm đã bám sát các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Đi đôi với chỉ đạo phát triển kinh tế, công tác văn hóa – xã hội luôn được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo. Toàn huyện có 20/21 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 95,2%, duy trì kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS 21/21 xã, thị trấn; có 20 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Cuộc vận động “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” được tổ chức thực hiện tốt, chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá được quan tâm; các lễ hội truyền thống được khôi phục góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, huy động tốt nội lực và sức sáng tạo trong nhân dân, toàn huyện đã có 4 xã xây dựng xong và duy trì 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được củng cố và phát triển. Sự kiên cường, năng động, sáng tạo, quyết tâm đưa quê hương vượt qua nghèo nàn, lạc hậu là nhân tố quyết định để đưa Chi Lăng vươn lên trở thành một miền quê ngày càng giàu đẹp.
Kỷ niệm 590 năm chiến thắng Chi Lăng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng mãi khắc ghi công lao to lớn của ông cha đã làm nên lịch sử. Chiến thắng Chi Lăng mãi là niềm tự hào, là tiếng vọng của hùng thiêng sông núi trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Tiếng trống trận năm xưa đã giục người người cầm gươm đánh giặc, làm nên kỳ tích Chi Lăng vang mãi ngàn năm, ngày nay, âm vang tiếng trống ấy vẫn thúc giục mỗi người dân Chi Lăng chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Chi Lăng thành một huyện vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với vị thế và bề dày truyền thống lịch sử của mảnh đất Chi Lăng “địa linh nhân kiệt”.
Đ.T.S
Ý kiến ()