Phát huy truyền thống, khơi dậy nội lực để phát triển
– Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Trải qua 191 năm thành lập và phát triển, Đảng bộ, quân, dân tỉnh Lạng Sơn đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động sản xuất để bảo vệ và xây dựng quê hương, khơi dậy nội lực để phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Cùng với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam, tỉnh Lạng Sơn dần được hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ với các tên gọi khác nhau. Khi nước Văn Lang – Nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc, Lạng Sơn được xếp vào quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu. Thời Đinh, nước Đại Cồ Việt ra đời, Lạng Sơn được đặt làm đạo. Thời Lý, hệ thống hành chính được tổ chức quy củ với các đơn vị lộ, phủ, châu, vùng đất Lạng Sơn chủ yếu thuộc Lạng châu. Đến năm 1397, phủ Lạng Sơn được đổi thành trấn Lạng Sơn. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1428, nhà Lê chia đất nước thành 4 đạo, Lạng Sơn được xếp vào Bắc đạo. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia nước thành 12 thừa tuyên, trấn Lạng Sơn được đổi thành thừa tuyên Lạng Sơn.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu tới các chiến sĩ Lực lượng vũ trang những tài liệu, hiện vật thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Lạng Sơn, tại triển lãm “Lạng sơn -190 năm hình thành và phát triển”. Ảnh: TUYẾT MAI
Sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn), ghi rõ “Tân Mão, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) mùa Đông, tháng Mười, ngày mồng 1 làm Lễ Đông hưởng” (tức ngày 4/11/1831), triều đình phong kiến nhà Nguyễn chia định địa hạt phía Bắc, đặt thành 18 tỉnh từ Quảng Trị trở ra, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Khi thành lập tỉnh, Lạng Sơn bao gồm 1 phủ và 7 châu. Ngày 20/6/1905, thực dân Pháp bỏ đạo quan binh và xác lập lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn. Ngày 15/7/2009, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về công bố ngày 4/11/1831 là ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn. Đây là dấu mốc khẳng định sự phát triển của một địa phương, xứng tầm là đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương, mở ra thời kỳ mới trong tiến trình xây dựng và phát triển của tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, theo Nghị quyết số 818/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thì tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện, 1 thành phố với 200 xã, phường, thị trấn.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, lớp lớp thế hệ người dân Lạng Sơn đã đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước viết nên những trang sử chói lọi, đánh bại nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, các đế quốc hùng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi, bảo vệ và giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc.
Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Như Hành, nguyên Chỉ huy phó chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trải qua các thời kỳ lịch sử, Lạng Sơn đã nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi về tên gọi, ranh giới địa lý khác nhau nhưng hơn 100 năm qua, tên gọi tỉnh Lạng Sơn về cơ bản được giữ qua các thời kỳ và tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn khẳng định được vai trò, vị thế của vùng đất biên cương, nơi địa đầu “phên giậu” của Tổ quốc.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940; thành lập Đội cứu quốc quân 1, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, chiến thắng đường số 4, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn năm 1950; là “cảng nổi” kiên cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ra sức chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tỉnh có những người con ưu tú, những người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất như: Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri… đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Như Hành (ngoài cùng bên phải) và các cựu chiến binh phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn ôn lại những kỷ niệm một thời chiến đấu. Ảnh: THANH HUYỀN
Cùng với đó, Lạng Sơn là mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa, từ mạch nguồn văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha đã hình thành vùng văn hóa Xứ Lạng đặc sắc với các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể phong phú, đa dạng. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn cho biết: Chính bề dày lịch sử và những giá trị đặc sắc về văn hoá, mảnh đất, con người Lạng Sơn từ xưa đến nay đã trở thành cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật cho rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ là niềm cảm hứng bất tận cho sáng tác văn học nghệ thuật, tỉnh Lạng Sơn trong quá trình phát triển đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đáng chú ý, trong 36 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, có hiệu quả, năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên. Lĩnh vực văn hoá – xã hội, chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào vùng cao, vùng biên giới ngày càng được được cải thiện. Tính riêng trong 10 tháng năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, lĩnh vực kinh tế phục hồi nhanh và toàn diện; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng 7,13% (mục tiêu là 7-7,5%). Trong đó, nông, lâm nghiệp tăng 5,33%; công nghiệp – xây dựng tăng 11,26%; dịch vụ tăng 6,2%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 7.381,3 tỷ đồng.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, chú trọng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu tới các em học sinh những tài liệu, hiện vật thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Lạng Sơn, tại triển lãm “Lạng sơn -190 năm hình thành và phát triển”. Ảnh: TUYẾT MAI
Với những thành tựu đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý; đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2002 và tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1966, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1979, Huân chương Sao Vàng năm 1985, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2011; và năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 190 năm ngày thành lập, tỉnh Lạng Sơn được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Năm nay, thiết thực kỷ niệm 191 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 – 4/11/2022), các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh đang ra sức tuyên truyền, thi đua thực hiện những nội dung, phần việc có ý nghĩa. Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho biết: Ban đã có công văn gửi các cơ quan, đơn vị đề nghị triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của tỉnh Lạng Sơn; truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Xứ Lạng; những đóng góp của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: hội nghị báo cáo viên; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị; tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, bản, khối phố. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ; tạo không khí thi đua trong lao động, sản xuất, công tác, học tập trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân toàn tỉnh.
Với niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang và niềm tin vào tương lai phát triển mạnh mẽ, bền vững của vùng đất địa đầu Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã và đang ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
THANH HUYỀN
Ý kiến ()