Phát huy truyền thống hào hùng, xây dựng đội ngũ cán bộ Bộ Tổng Tham mưu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Trải qua các giai đoạn cách mạng, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng (QS, QP); tổ chức xây dựng QĐND và lực lượng dân quân tự vệ lớn mạnh, trưởng thành, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, với tầm nhìn chiến lược, ngày 7-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức thành lập cơ quan tham mưu chiến lược của lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng và trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng. Tại buổi giao nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “BTTM là cơ quan tham mưu quân sự cơ mật của Đoàn thể, là cơ quan đầu não của quân đội, có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện quân sự cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”(1).
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương kiểm tra kết quả bắn của thí sinh tại Hội thi Xạ thủ bắn tỉa toàn quân năm 2022. Ảnh: VĂN CHIỂN |
Được thành lập trong hoàn cảnh đất nước vừa tuyên bố độc lập nhưng đang phải đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ của BTTM hết sức nặng nề. Quán triệt sâu sắc chỉ huấn của Người: “Phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được… Thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc”(2), BTTM vừa từng bước củng cố tổ chức, bổ sung lực lượng, vừa hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; đội ngũ cán bộ từng bước kiện toàn, không ngừng vượt khó, sáng tạo, nỗ lực trau dồi kiến thức, đạo đức, rèn luyện phương pháp, tác phong, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh quay trở lại xâm lược nước ta, với việc đánh chiếm Sài Gòn và từng bước mở rộng ra các tỉnh, thành ở Nam Bộ, BTTM đã tập trung chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng đối phó với cuộc gây hấn quân sự của Pháp ở Nam Bộ ngày 23-9-1945. Tiếp đó, BTTM tổ chức cho các đơn vị từ miền Bắc hành quân vào cùng quân và dân Nam Bộ chặn đánh quyết liệt các cuộc tiến công của giặc Pháp, làm cho chúng không thể mở rộng cuộc chiến ra miền Bắc, tạo điều kiện cho quân và dân ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng mọi mặt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng, BTTM đã tham mưu, đề xuất kế hoạch đánh địch trên cả hai mặt trận (chính diện và sau lưng địch); tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ địa kháng chiến; kết hợp nhiều hình thức, biện pháp đánh địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích; tham mưu chỉ đạo liên tiếp mở nhiều chiến dịch vừa và lớn, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển vững chắc, giành thắng lợi ngày càng lớn hơn, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BTTM đã có bước trưởng thành, lớn mạnh về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong cuộc đọ sức lần này, quân và dân ta phải đương đầu với một đội quân xâm lược nhà nghề, một siêu cường quốc, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn gấp nhiều lần, với những âm mưu, thủ đoạn vô cùng xảo quyệt. Trước đối thủ mới, BTTM nói chung, đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược nói riêng đã luôn chủ động, tích cực nghiên cứu, nắm chắc quy luật chiến tranh, nhận định, đánh giá chính xác, kịp thời âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động của kẻ thù, tham mưu với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối QS, QP, xây dựng các kế hoạch tác chiến chiến lược đúng đắn; đề xuất các kế hoạch về xây dựng LLVT ba thứ quân và vững vàng chỉ huy trên cả hai miền Nam-Bắc, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh đầy tham vọng của đế quốc Mỹ, với những thắng lợi to lớn, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27-1-1973). Đặc biệt, khi thời cơ xuất hiện, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch: Tây Nguyên, Trị-Thiên-Huế, Đà Nẵng, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những chiến công đó đã ghi đậm dấu ấn của BTTM, của đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương và các đại biểu tham quan sáng kiến cải tiến huấn luyện của Quân đoàn 1. Ảnh: DUY ĐÔNG |
Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, BTTM tiếp tục hoàn thành tốt chức năng tham mưu với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân lập những chiến công mới; chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước và làm tròn nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào. Cùng với đó, BTTM nghiên cứu, đề xuất kế hoạch củng cố, phát triển LLVT theo quan điểm chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân, kết hợp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh (QP, AN); chủ động phòng, chống, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, BTTM luôn đề cao cảnh giác, dự báo, đánh giá chính xác âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các đối sách hợp lý để giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến QP, AN của đất nước, cũng như các sự cố thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…
Những thành công trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có sự đóng góp to lớn, mang dấu ấn đậm nét, thể hiện tài mưu lược, sáng suốt, nhạy bén, kịp thời của BTTM; là kết quả của quá trình xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược từ 8 cán bộ đầu tiên “chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu”(3), phát triển thành các cục, phòng, ban chức năng và các đơn vị, nhà trường, đảm đương từng nhiệm vụ cụ thể qua các giai đoạn của cách mạng; từ 3 đảng viên của 1 tổ đảng đầu tiên phát triển thành Đảng bộ BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng có 5 đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và 30 đảng bộ cơ sở trực thuộc thường xuyên đạt trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kích động, chia rẽ, âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”. Mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là nhiệm vụ rất nặng nề. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược về QS, QP của Đảng, Nhà nước; cơ quan chỉ huy cao nhất của QĐND và Dân quân tự vệ Việt Nam, cần tập trung xây dựng Đảng bộ BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, BTTM vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, trong đó cần đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược “vừa hồng, vừa chuyên”, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, với một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, phải nhận thức đúng đắn, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ chủ trì đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược của BTTM QĐND Việt Nam.
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”. Do đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ quan tham mưu chiến lược về QS, QP, cùng với kế thừa những tinh hoa và giá trị nhân văn, khoa học về xây dựng đội ngũ cán bộ của quân đội, nhất là cán bộ tham mưu chiến lược của BTTM trong 77 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp cần quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, chủ trương, nội dung, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11-02-2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Cùng với đó, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BTTM và thực tiễn hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược trong tình hình mới để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xác định chủ trương, nội dung, biện pháp tiến hành phù hợp, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương kiểm tra nội dung thi xây dựng quyết tâm chiến đấu của thí sinh tại Hội thi cán bộ chủ trì bộ CHQS các tỉnh, thành phố toàn quân năm 2022. Ảnh: KIM NGỌC |
Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ cấp chiến lược; làm tốt công tác tuyển chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược.
Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quân đội nói chung, cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược của BTTM nói riêng phải quán triệt quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung và phương pháp công tác quy hoạch cán bộ của Đảng “bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý”(4). Đồng thời, lấy việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của cách mạng, quân đội, của BTTM để xây dựng đội ngũ; thông qua thực tiễn hoạt động và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để phát hiện những cán bộ có đủ phẩm chất, có năng lực tư duy sáng tạo, khả năng tham mưu đề xuất, khái quát tổng hợp ở tầm vĩ mô và năng lực chỉ đạo thực tiễn, làm việc năng động, sáng tạo, hiệu quả. “Đánh giá chính xác, sàng lọc chặt chẽ, lựa chọn những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc, được kiểm nghiệm trong thực tiễn để đưa vào nguồn quy hoạch các chức danh cấp chiến dịch, chiến lược”(5). Việc xây dựng về số lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ tham mưu cấp chiến lược ở BTTM hướng vào việc hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và chỉ đạo toàn quân; đồng thời, thực hiện kiện toàn tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đồng bộ, chính quy, từng bước hiện đại theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định.
Ba là, tiến hành đồng bộ các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở BTTM, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì và đội ngũ chuyên gia tham mưu chiến lược.
Đối với cơ quan tham mưu chiến lược, trình độ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì và đội ngũ chuyên gia quyết định trực tiếp đến chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành QĐND và lực lượng dân quân tự vệ hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. “Người chỉ đạo phải thấy trước vấn đề, cấp chỉ đạo càng cao thì càng phải nhìn xa trông rộng; nếu không, người chỉ đạo sẽ đưa cấp dưới và bản thân mình vào ngõ cụt, lâm vào tình thế bị động”(6). Vì thế, đội ngũ cán bộ phải hội tụ đầy đủ về trí tuệ, mưu lược, năng lực chỉ huy tham mưu hiệp đồng tác chiến (nhất là trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, vũ khí, trang bị hiện đại) để tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện giỏi, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
Để nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện; chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng của chiến lược cán bộ gắn với sự phát triển của tình hình trong nước và thế giới cũng như thực tiễn quân đội và BTTM QĐND Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của lý luận, nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải toàn diện; thực hiện có hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ, có trình độ học vấn, lý luận chính trị tương ứng; tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu; khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ tự học tập, nghiên cứu, nâng cao năng lực thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, tin học và kiến thức tổng hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương theo dõi phần thi bắn súng ngắn K54 tại đợt kiểm tra sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn bộ binh; chỉ huy trưởng, chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố) năm 2022. Ảnh: VĂN CHIỂN |
Máy bay Su-22 của Trung đoàn 929 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân) thực hành công kích mục tiêu mặt đất. Ảnh: HỮU LỆ |
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh.
Trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược cũng phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Muốn có được lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược phải tích cực học tập, trau dồi, nắm vững và quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 và Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Máy bay Su-27 của Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân) thực hành đánh mục tiêu mặt đất bằng rốc két. Ảnh: HỮU LỆ |
Trước những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo của của tình hình thế giới; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội với những thủ đoạn, phương thức chống phá mới ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn, đội ngũ cán bộ chiến lược phải có nhận thức đúng đắn, phân biệt rõ đúng, sai, không hoài nghi, dao động. Đồng thời, cần chủ động, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, phải có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh; tuyệt đối giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia; có lối sống trong sạch, lành mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, thẳng thắn, gương mẫu; không cục bộ địa phương, không tham vọng cá nhân, không tham nhũng, tiêu cực…
Năm là, đổi mới phương pháp, tác phong công tác, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ chiến lược BTTM.
Cùng với trình độ, năng lực, đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược phải có phương pháp xem xét khách quan, biện chứng, thận trọng, độc lập, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn; có nền nếp làm việc khoa học, theo kế hoạch; tác phong khẩn trương, nghiêm túc, chủ động, sáng tạo, quyết đoán trong công việc; sâu sát cơ sở, tận tụy với nhiệm vụ; biết phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến tập thể và từ cơ sở. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, loại bỏ những biểu hiện thiếu chặt chẽ trong nghiên cứu; tùy tiện, giản đơn, chủ quan, nóng vội trong chỉ đạo, hướng dẫn; những biểu hiện tập trung quan liêu, gia trưởng, độc đoán, không tôn trọng cấp dưới, không phát huy trí tuệ tập thể, áp đặt, thiếu dân chủ, vi phạm nguyên tắc công tác trong quản lý, chỉ huy.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chiến lược của BTTM phải coi trọng phát huy vai trò nêu gương theo yêu cầu của Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ở cơ quan chiến lược, nhất là cán bộ chủ trì các cấp là vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả thực hiện công tác tham mưu, chỉ đạo. Vì vậy, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp của BTTM cần quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng về nêu gương, kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Mỗi cán bộ, đảng viên ở BTTM phải phấn đấu, mẫu mực nêu gương, nhất là về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương; thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác, đẩy mạnh thực hiện “tự soi, tự sửa”, tự rèn, tự phê bình và phê bình; nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền, nhân dân cả nước; kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của QĐND, của dân tộc Việt Nam anh hùng, các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ của BTTM đã tích cực xây đắp và không ngừng tô thắm thêm truyền thống “Trung thành-mưu lược, tận tụy-sáng tạo, đoàn kết-hiệp đồng, quyết chiến-quyết thắng”. Tiếp nối lịch sử vẻ vang và truyền thống hào hùng đó, việc chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan tham mưu chiến lược về QS, QP vững mạnh toàn diện là nhân tố đặc biệt quan trọng để BTTM tiếp tục hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
————————————
(1) Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.10-11
(2), (3) Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- -1954), Sđd, tr.11
(4) Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Hà Nội, 2021, tr.2
(5) Quân ủy Trung ương: Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-02-2019 “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Hà Nội, 2019, tr.2, 12
(6) Đại tướng Hoàng Văn Thái, Mấy vấn đề về chỉ huy và tham mưu, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.47
Ý kiến ()