Phát huy truyền thống gắn kết cộng đồng trong làng, bản Xứ Lạng
LSO-“Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta…” (Luật Di sản Văn hóa).
LSO-“Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta…” (Luật Di sản Văn hóa).
Nhà sàn truyền thống ở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng – Ảnh: THANH LUYỆN |
Di sản văn hóa Lạng Sơn với số lượng phong phú, loại hình đa dạng và đặc sắc, là một bộ phận quan trọng trong Di sản văn hóa Việt Nam về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” Đảng bộ và chính quyền Lạng Sơn đã từng bước thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm phát huy di sản văn hóa quê hương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nhằm xây dựng tỉnh Lạng Sơn vững mạnh và văn minh.
Nói đến văn hóa Lạng Sơn nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung trước hết là phải nói đến con người, con người Lạng Sơn, là chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa trong những điều kiện lịch sử xã hội của thời kỳ. Vì vậy phát huy di sản văn hóa Lạng Sơn chính là phát huy nguồn lực con người Lạng Sơn, với những truyền thống bản sắc riêng, mà ngày nay cần được kế thừa và phát triển trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con người Lạng Sơn là sản phẩm lịch sử của một vùng quê ở miền núi của Tổ quốc là một trong những cái nôi sinh thành ra con người, là một trong những địa bàn diễn ra các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống giặc phương Bắc. Đồng thời Lạng Sơn cũng là một trong những địa bàn hội nhập, tiếp thu và cải biến những luồng văn hóa ngoại nhập (chủ yếu là Trung Quốc) thời trung cổ… để giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển văn hóa Lạng Sơn và văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ độc lập tự chủ, Lạng Sơn là quê hương của các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long, Đông Đô – Hà Nội, là địa bàn thực thi các chính sách kinh tế – văn hóa của các triều đại phong kiến với những thành tựu rực rỡ trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ. Dân tộc Lạng Sơn đã xây dựng và phát triển những truyền thống sắc thái văn hóa độc đáo góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi, vững chắc để tạo dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa Xứ Lạng. Người Xứ Lạng từ xưa đến nay vốn có truyền thống gắn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh chống lại thiên tai dịch họa, chống giặc ngoại xâm.
Ở Lạng Sơn làng, bản được dựng lập rất sớm, hầu hết đều có lịch sử tồn tại hàng nghìn năm và trở thành những làng xã điển hình về nhiều mặt của làng xã Việt Nam. Đại đa số làng, bản Xứ Lạng không chỉ là nơi hội tụ cư trú mà còn là những địa chỉ hoạt động kinh tế giao thương giữa vùng ngược và vùng xuôi, mặt khác làng bản Xứ Lạng còn là một đơn vị văn hóa hết sức điển hình, trong mỗi bản mỗi thành viên, mỗi gia đình được gắn kết, liên hệ chặt chẽ với nhau trên nền tảng văn hóa tinh thần cộng đồng. Mối liên kết được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong làm ăn bảo vệ quê hương làng xóm, thông qua các hình thức hoạt động văn hóa tinh thần được chế định thành những gia phong tục lệ, khoản ước của gia đình dòng họ bằng phương thức phong tục tập quán truyền thống của làng bản… thậm trí là một số hương ước của làng bản trong vùng Xứ Lạng. Bởi vậy một số làng bản ở Xứ Lạng đã được nhà nước phong kiến gia phong và tôn vinh “Mỹ tục khả phong”. “Địa linh nhân kiệt”… Ngày nay những giá trị văn hóa tinh thần của con người và làng bản Xứ Lạng, đặc biệt vẫn còn một số tập tục có nội dung phù hợp như lễ hội xuống đồng, lễ hội đình…
Trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa ngày càng phát triển phong phú và sôi động, thì những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của con người và làng, bản Xứ Lạng được kế thừa và phát huy đã trở thành nội lực mạnh mẽ, chống lại có hiệu quả sự xâm nhập, gây tác hại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Chính vì vậy trong mấy năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền Lạng Sơn đã đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa và gia đình văn hóa ở Lạng Sơn, nhờ có chủ trương đúng đắn, phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước, được quần chúng nhân dân ủng hộ hưởng ứng mạnh mẽ, các làng xã, khu dân cư khắp mọi miền Xứ Lạng đã từng bước chuyển mình và đổi mới. Từ đó đã đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Kết quả đó đã, đang đặt ra cho các cấp các ngành trước hết là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đánh giá những mặt tích cực của truyền thống văn hóa làng bản, gia đình… ở Lạng Sơn nhằm tiếp tục phát huy cao độ những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống còn tiềm ẩn trong cộng đồng và mỗi con người Xứ Lạng.
Con người Xứ Lạng ngoài có đức tính cần cù, năng động và tài khéo léo trong làm ăn. Họ còn nổi tiếng là thông minh và hiếu học đã tạo dựng lên văn hóa rất lớn đặc biệt là những di sản văn hóa đa dạng và phong phú nổi tiếng khắp mọi miền của Tổ quốc. Trên thực tế hiện nay trên mảnh đất Xứ Lạng còn lưu giữ gần 1000 di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng, đó là một minh chứng sinh động cho lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa của quê hương Xứ Lạng có nhiều di tích có một không hai trong lịch sử dân tộc như: Di tích cổ sinh Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia) có niên đại trên dưới 50 vạn năm. Di tích khảo cổ học thuộc nền văn hóa Bắc Sơn (từ 11.000 đến 7000 năm) văn hóa Mai Pha (trên dưới 4000 năm). Đặc biệt Lạng Sơn còn có các di tích nổi tiếng như: Động Tam Thanh – Chùa Tam Thanh, Vọng Phu – Tô Thị, các di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng núi Mẫu Sơn… và cụm di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng: Khu di tích Bắc Sơn, khu di tích đường số 4…
Với nguồn di sản văn hóa truyền thống đó, đây là một nguồn lực dồi dào để chúng ta tổ chức, phát động phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, nhằm không ngừng nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Đây là một nhiệm vụ mà các cấp ủy chính quyền và nhân dân Xứ Lạng nhận thấy rõ trong sự nghiệp phát huy di sản văn hóa quê hương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Xứ Lạng.
LÝ HẢI AN
Ý kiến ()