Phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững
Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực tế dự án khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn.Ảnh: LÊ MINH
– Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Tuy có những nét khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, tập quán nhưng từ thời dựng nước, cộng đồng các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã có truyền thống đoàn kết, gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động sản xuất để bảo vệ và xây dựng quê hương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Kể từ khi Nhà nước Văn Lang – nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, cùng với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, tỉnh Lạng Sơn dần được hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ: từ ban đầu chưa được đặt thành một đơn vị hành chính riêng thời Nhà nước Văn Lang, thời Bắc thuộc, thời nhà Đinh, nhà Lý, đến năm 1225, nhà Trần đã thành lập phủ Lạng Sơn và sau đó đổi tên thành trấn Lạng Sơn vào năm 1397. Năm 1466, nhà Lê đã đổi trấn Lạng Sơn thành thừa tuyên Lạng Sơn. Đến ngày 4/11/1831, năm Minh Mệnh thứ 12, thừa tuyên Lạng Sơn đã được nhà Nguyễn đổi thành tỉnh Lạng Sơn. Từ đó, ngày 4/11/1831 đã trở thành Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn.
Đây là dấu mốc khẳng định sự phát triển của một địa phương đã hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý, dân cư, chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, xứng tầm là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương, mở ra thời kỳ mới trong tiến trình xây dựng và phát triển của vùng đất Lạng Sơn.
Thời Pháp thuộc và từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ Nhân dân được thành lập đến nay, trừ các năm 1976 – 1978, hai tỉnh: Lạng Sơn và Cao Bằng được hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng, hơn 100 năm qua, tên gọi tỉnh Lạng Sơn về cơ bản được giữ qua các thời kỳ.
Như vậy, trải qua các thời kỳ lịch sử, Lạng Sơn đã nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi về tên gọi, ranh giới địa lý khác nhau; tuy nhiên tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn khẳng định được vai trò, vị thế của vùng đất biên cương, nơi địa đầu “phên giậu” của Tổ quốc.
Theo Nghị quyết số 818/NQ-UBTVQH 14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thì tỉnh Lạng Sơn hiện có 10 huyện, 1 thành phố với 5 phường, 14 thị trấn và 181 xã.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ những người con của quê hương Xứ Lạng đã đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước viết nên những trang sử chói lọi, đánh bại nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi. Truyền thống đấu tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm ở vùng biên ải quốc gia từ đời này qua đời khác đã nuôi dưỡng sức mạnh, tạo nên khí phách bất khuất của các thế hệ những con người sống trên vùng đất “phên giậu”, cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc. Những địa danh nổi tiếng như ải Nam Quan, ải Chi Lăng, núi Mã Yên trong chiến thắng Chi Lăng lịch sử, khởi nghĩa Bắc Sơn, đường số 4 anh hùng… những người con ưu tú của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn như: Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri… đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Cùng với đó, Xứ Lạng là mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa, từ mạch nguồn văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha đã hình thành vùng văn hóa Xứ Lạng đặc sắc với các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể phong phú, đa dạng.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940; thành lập Đội cứu quốc quân 1, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, chiến thắng đường số 4, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn năm 1950; là “cảng nổi” kiên cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ra sức chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm chuyên đề “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển”
Giai đoạn 2015 – 2020, kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 đạt 5,45%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng, tương đương 1.937 USD (tăng 1,4 lần so với năm 2015). Kinh tế cửa khẩu tiếp tục khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, có nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Các nguồn vốn đầu tư phát triển ngày càng tăng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông đạt nhiều kết quả quan trọng. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá cao, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm tăng trên 10,5%. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục được đầu tư phát triển khá toàn diện. Hệ thống phân phối hàng hóa phát triển đa dạng, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách đạt kết quả khá tích cực, đạt 8.127,9 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn thực hiện đạt 3.060 triệu USD, tăng 51,5% so với cùng kỳ.
Văn hóa – xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, công tác giáo dục dân tộc được chú trọng, chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được duy trì ở mức cao hơn mặt bằng chung của tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được cải thiện, nhiều phương pháp kỹ thuật chuyên môn cao được áp dụng. Quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, không phát sinh bệnh dịch mới; chỉ đạo tích cực, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trong Nhân dân. Thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng văn hóa, con người Lạng Sơn một cách toàn diện trong môi trường văn hóa lành mạnh, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phát triển sâu rộng. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa, thôn, tổ dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa ngày càng cao. Đến năm 2020, có 80,8% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 78,2% khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25,95% năm 2015 xuống còn 7,88% năm 2020. Trong 5 năm, đã giải quyết việc làm mới cho 72,2 nghìn lao động. Mặc dù trong tình hình dịch bệnh nhưng 9 tháng đầu năm 2021, 13.050 người đã được tạo việc làm mới.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh được nâng cao; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo xử lý kịp thời các tình huống. Công tác xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ tỉnh được quan tâm. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được chú trọng, đổi mới về nội dung, hình thức, phát huy hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Cán bộ, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và học sinh trên địa bàn thành phố tham quan triển lãm chuyên đề “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển”
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục chỉ đạo tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến tháng 10/2021, Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, 738 tổ chức cơ sở đảng với 66.683 đảng viên. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; công tác cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương có những chuyển biến rõ nét. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc và phát huy hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đã xác định mục tiêu tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững”. Trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tin tưởng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra, cụ thể như sau:
Một là,tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phát huy tốt vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.
Hai là,thực hiện tốt “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, trọng tâm là hạ tầng giao thông, cửa khẩu, công nghiệp, đô thị và nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác có hiệu quả thế mạnh về vị trí địa lý của tỉnh. Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Ba là,phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, có khát vọng vươn lên. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là các khu vực nông thôn, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Bốn là,tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Năm là,tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác đối ngoại đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân; tăng cường hoạt động đối ngoại, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao vị thế của tỉnh trong mắt bạn bè quốc tế.
Với niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang và niềm tin vào tương lai phát triển mạnh mẽ, bền vững của vùng đất địa đầu Tổ quốc, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tỉnh Lạng Sơn có diện tích tự nhiên 8.310,09 km2, có đường biên giới dài 231,74 km với Quảng Tây (Trung Quốc); có các tuyến đường bộ quan trọng như 1A, 1B, 4A, 4B, 31 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt – Trung; có các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, cửa khẩu phụ và các lối mở biên giới. Lạng Sơn có vị trí chiến lược về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là đầu mối giao lưu thương mại đường bộ bậc nhất giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. |
TS. NGUYỄN QUỐC ĐOÀN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()