Phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”
LSO-Người có công (NCC) là những người đã cống hiến người thân, một phần xương máu của mình cho Tổ quốc. Vì thế, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã và đang nỗ lực chăm lo sức khỏe cho NCC, thể hiện sự biết ơn đối với những đóng góp, hy sinh của họ cho quê hương, đất nước.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc sức khỏe người có công |
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), toàn tỉnh hiện có 31.056 NCC, trong đó có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 891 thương binh, 426 bệnh binh, 5.644 liệt sĩ… Trong 43 năm qua, công tác chăm lo sức khỏe cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, NCC với cách mạng đã trở thành chủ trương lớn của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Chính sách đối với NCC ngày càng được thực hiện có hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách có điều kiện nâng cao chất lượng sức khỏe, tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng.
Hằng năm, Sở LĐTB&XH đã tổng hợp danh sách từ cơ sở để tổ chức cho NCC điều dưỡng tại gia đình, các tỉnh và Trung tâm điều dưỡng NCC tỉnh. Trong chương trình điều dưỡng, NCC được khám bệnh, theo dõi tình hình bệnh tật, cấp phát thuốc hằng ngày, dùng các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng (điện xung, ngâm chân thuốc Bắc, ghế masage…). Đặc biệt, đối với những người có bệnh về huyết áp, tim, đái tháo đường, trung tâm điều dưỡng NCC sẽ có chế độ ăn phù hợp để cải thiện tình hình sức khỏe và đây cũng là một kênh để các đối tượng NCC tiếp thu kiến thức về dinh dưỡng, truyền đạt lại cho người thân trong gia đình.
Bà Phạm Thị Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh cho biết: Ngoài chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ với khẩu phần ăn hợp lý và thường xuyên thay đổi để phù hợp với khẩu vị, mỗi đợt về nghỉ dưỡng tại trung tâm, các mẹ, các cụ còn được trung tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, tổ chức các đoàn đi tham quan lại chiến trường xưa, các khu di tích lịch sử, du lịch trong và ngoài tỉnh.
Từ khi đi vào hoạt động (tháng 6/2017) đến nay, Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh đã tổ chức được 11 đợt điều dưỡng cho 520 NCC. Ngoài ra, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, NCC với cách mạng còn được hỗ trợ tiền điều dưỡng tại nhà và đi điều dưỡng tại trung tâm của các tỉnh khác (Theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 700 NCC được đi điều dưỡng tại trung tâm và các tỉnh khác; 1.288 NCC được hưởng chế độ trợ cấp điều dưỡng tại gia đình với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.
Trong quá trình điều dưỡng, nếu gặp vấn đề gì về sức khỏe, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, NCC sẽ được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để có chế độ chăm sóc chuyên sâu hơn. Và Khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ lâu đã trở thành một địa chỉ tin cậy của các đối tượng NCC mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe. Đến đây, họ được chăm sóc toàn diện, kết hợp nhiều chuyên khoa. Cơ sở vật chất từ phòng bệnh, giường nằm, ti vi, nóng lạnh… được đầu tư khang trang, sạch đẹp.
Ông Vi Văn Khải, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng kể: Năm nay 83 tuổi rồi, tôi hay bị rối loạn tiền đình, cao huyết áp, phải nhập viện điều trị; được các nhân viên y tế ở đây chăm sóc nhiệt tình chu đáo, từ ăn ngày 3 bữa ngon đến thuốc uống đều đặn theo giờ. Con cháu trong gia đình cũng thấy yên tâm. Điều trị được 6 ngày, bệnh của tôi đã đỡ hơn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng Phòng NCC, Sở LĐTBXH tỉnh cho biết: Hiện nay, 100% NCC và thân nhân NCC được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài chế độ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe hằng năm, các thương, bệnh binh còn được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc (từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 140 người được cấp với số tiền hơn 340 triệu đồng) giúp thương, bệnh binh đi lại, sinh hoạt dễ dàng hơn.
Bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, các cấp, ngành và toàn xã hội đã và đang chăm sóc, góp phần nâng cao sức khỏe cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng. Qua đó thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()