Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ mới
VY VĂN THÀNH, Chủ tịch UBND tỉnh
Cách đây 70 năm, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày nay. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cũng được hình thành từ đó.
Trong suốt 70 năm qua, ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, địch họa, có những bước trưởng thành về nhiều mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn 1946-1950 là thời kỳ Lạng Sơn cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện sứ mệnh của “hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”; đồng bào các dân tộc Lạng Sơn hăng hái tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến; góp phần làm nên chiến thắng biên giới Thu – Đông 1950 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX, kinh tế của tỉnh bắt đầu được phục hồi, sản xuất nông lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực phong trào hợp tác hóa đã được tổ chức rộng khắp toàn tỉnh với trên 70% số hộ nông dân tham gia; hàng chục nông, lâm trường quốc doanh đã được thành lập; các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, công tác thủy lợi, cơ giới hóa được đẩy mạnh; năng suất, sản lượng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả được nâng cao. Trong thời kỳ đổi mới (1986-2015), sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành; các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và cây đặc sản có giá trị kinh tế phát triển nhanh, đa dạng. Phần lớn các sản phẩm cây đặc sản và cây ăn quả đã trở thành hàng hóa, được chế biến để xuất khẩu; hình thành các vùng sản xuất tập trung về lương thực, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Kết cấu hạ tầng thiết yếu nông thôn được bổ sung, tăng cường ngày càng đồng bộ. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm gần đây đã được triển khai tích cực và bước đầu mang lại hiệu quả; hết năm 2015, toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và nhiều xã gần đạt các tiêu chí.
Mô hình trình diễn lúa lai tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Ảnh: DUY HÀ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)
Trong 70 năm qua, với truyền thống cách mạng hào hùng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đoàn kết, thống nhất vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế đồi rừng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện diện mạo nông thôn, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Với những thành tích xuất sắc đạt được trên mọi lĩnh vực trong thời kỳ qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp công sức, nỗ lực của ngành trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh suốt thời kỳ qua.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận trong lĩnh vực này còn có những mặt yếu kém, đó là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành, cơ cấu lao động chưa rõ nét, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; việc chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả còn hạn chế; kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn còn thấp kém; tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm.
Trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI đã xác định nông – lâm nghiệp vẫn là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là một trong những trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tiếp tục nỗ lực phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thực hiện tích cực việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia đầu tư phát triển sản xuất, liên doanh, liên kết để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó lấy doanh nghiệp làm nòng cốt phát huy, khai thác tối đa nguồn lực, lợi thế đất đai, đồi rừng để phát triển lâm nghiệp, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng tâm. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Ưu tiên bố trí nguồn lực và tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành nông – lâm nghiệp, nhất là những người đứng đầu. Rà soát điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong ngành cho phù hợp với yêu cầu quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn bảo đảm tính chủ động, hiệu quả.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, các thành tựu quan trọng đã đạt được trong các thời kỳ phát triển, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với sự lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc, tin rằng toàn ngành nông nghiệp nhất định hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao phó, giành được nhiều thành tích to lớn hơn trong thời kỳ tiếp theo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững.
V.V.T
Ý kiến ()