Phát huy tinh thần chiến đấu, sự dấn thân của nhà báo trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Quang cảnh cuộc họp. |
Chiều ngày 26/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023.
Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Giải; Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Giải; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải chủ trì cuộc họp.
Tiếp nhận tác phẩm tham dự Giải đến hết ngày 31/8/2023
Tại cuộc họp, thay mặt Ban Chỉ đạo Giải, đồng chí Lê Quốc Minh đã thông báo Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải. Theo đó, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giải thay đồng chí Lê Tiến Châu chuyển công tác khác; đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia thành viên Ban Chỉ đạo và là Trưởng Ban Tổ chức Giải thay đồng chí Phùng Khánh Tài do chuyển công tác khác.
Báo cáo tiến độ triển khai Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, sau ba lần phối hợp tổ chức Giải thành công, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 tiếp tục được Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức và chính thức phát động từ ngày 13/11/2021 tại Hà Nội.
Theo đó, tác phẩm tham dự Giải phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023 và thời gian tiếp nhận tác phẩm được tính từ ngày phát động đến ngày 31/8/2023.
Để tiếp tục triển khai Giải báo chí trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về Giải nhằm thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí và các phóng viên, hội viên nhà báo gửi tác phẩm tham dự Giải bảo đảm chất lượng và số lượng.
Cùng với đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần tích cực tuyên truyền, giới thiệu về Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 tới các cấp Hội trong cả nước; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp Hội Nhà báo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nhà báo tích cực tham gia gửi các tác phẩm có chất lượng gửi tham dự Giải.
Tại Hội nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tiến độ triển khai Giải nhất là những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan phối hợp tổ chức Giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải; Cho ý kiến đối với dự thảo quy chế tổ chức và làm việc của Hội đồng giám khảo Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư năm 2022-2023; đề xuất những nhiệm vụ giải pháp cần sớm triển khai trong quá trình chuẩn bị, tiến hành chấm các tác phẩm tham dự Giải và Lễ tổng kết trao thưởng có các tác giả đoạt Giải.
Đặc biệt là chương trình truyền hình trực tiếp của Lễ trao giải trên kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam sẽ được tổ chức vào tháng 11/2023 nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam.
Nhấn mạnh tới tính đặc thù, tính riêng biệt của việc tổ chức Giải
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực, đông đảo của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp Nhân dân. Trong thời gian qua, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc, góp phần cùng toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
C hủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Giải Đỗ Văn Chiến phát biểu tại cuộc họp. |
Để tiếp tục triển khai Giải, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Tổ chức Giải cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Thể lệ giải, về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của các tác phẩm tham dự giải thông qua các hình thức tuyên truyền khác nhau. Đặc biệt cần tuyên truyền về tính chính trị của Giải. Từ đó huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí, các nhà báo trên cả nước để mỗi người phát huy tinh thần chiến đấu, sự dấn thân của mình tạo nên những tác phẩm xuất sắc tham dự Giải.
Tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức Giải, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc tuyên truyền cần tập trung vào những điểm mới của Giải báo chí lần thứ tư, nhấn mạnh tới tính đặc thù, tính riêng biệt của việc tổ chức Giải trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, tại mỗi địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và có rất nhiều Ban Chỉ đạo đang hoạt động rất hiệu quả, điều đó một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, Giải báo chí lần thứ tư đề cập đến nội dung “tiêu cực”. Nội dung này đã tạo điều kiện để mỗi nhà báo tiếp cận thông tin và dấn thân phản ánh nhằm giảm thiểu hiện tượng một số bộ phận cán bộ, công chức né tránh, ngại va chạm, ngại triển khai và sợ sai…
Nhấn mạnh mục tiêu của Giải cần góp phần phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang quyết liệt triển khai, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Tuyên giáo Cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Biên tập một số cơ quan báo chí để tổ chức các cuộc toạ đàm, trao đổi nhằm cung cấp cho các nhà báo những thông tin định hướng về công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay; đồng thời cung cấp những nội dung kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua đó sẽ giúp cho các nhà báo khai thác, tiếp cận thông tin để tạo nên những tác phẩm tâm huyết, trách nhiệm tham dự Giải.
“Phải tập hợp được những người có kinh nghiệm, có bản lĩnh, có sự dấn thân thì mới tạo nên sự thành công của Giải”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Nhấn mạnh Giải báo chí phòng chống tham nhũng, tiêu cực là Giải của Nhân dân, huy động sự vào cuộc của Nhân dân, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, ngoài việc trao giải A, B, C và khuyến khích thì cần biểu dương, khen thưởng, khích lệ những cá nhân có nhiều đóng góp vào thành công của Giải như: Tặng Bằng khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với những nhà báo, cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải; đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực khen thưởng và trao giải đặc biệt đối với những tác phẩm, những đề tài xuất sắc…
Từ những ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự cuộc họp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Tuyên giáo Cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu tham dự cuộc họp để ban hành Quy chế Tổ chức và làm việc của Hội đồng Giám khảo Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo, các cơ quan phối hợp phát huy kết quả đạt được của 3 mùa Giải lần trước, đề cao trách nhiệm, đồng lòng, chung sức để lựa chọn được những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc vinh danh tại Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 11/2023./.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến ()