Phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo
– Theo kết quả khảo sát của một số cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước, Lạng Sơn có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió.
Theo khảo sát của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, lượng gió trung bình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 4,5-7,0 m/s trên tổng diện tích khoảng 1.276 km2; cùng đó, với hơn 520 nghìn héc ta đất có rừng, sản lượng chế biến các loại sản phẩm như: ván bóc, ván ép, ván dán, gỗ xẻ,…và các sản phẩm từ rừng trồng đạt 126 nghìn mét khối (số liệu khảo sát năm 2020)…, Lạng Sơn có tiềm năng lớn về phát triển điện gió, điện sinh khối.
Phương án về vị trí và số lượng tua bin gió của nhà máy điện gió Lộc Bình do công ty BayWar.e. Wind Projects triển khai. Ảnh: do công ty cung cấp
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Từ đầu năm 2020, theo chương trình phối hợp giữa Viện Năng lượng và UBND tỉnh Lạng Sơn, viện đã khảo sát nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh. Theo đó, căn cứ các số liệu về gió, năng lượng mặt trời, tiềm năng phát triển cây trồng công nghiệp (tận dụng vỏ, lá, vụn gỗ để phát triển điện sinh khối)…, tỉnh Lạng Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Từ giữa năm 2020 đến nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, khảo sát và đề xuất đầu tư các dự án phát triển điện gió, điện sinh khối trên địa bàn của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, UBND tỉnh đã cho phép 18 nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với 35 dự án, trong đó, có 32 dự án điện gió, 2 dự án điện sinh khối và 1 dự án điện rác.
Điển hình như Công ty BayWar.e. Wind Projects (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam , sau gần 2 năm thực hiện khảo sát thực tế, công ty chính thức mong muốn đầu tư 3 nhà máy điện gió tại các huyện: Văn Quan, Cao Lộc và Lộc Bình. Tổng công suất 3 dự án là 240 MW, tổng mức đầu tư hơn 9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, phải kể đến một số “ông lớn” khác đã thực hiện khảo sát và mong muốn được đầu tư thực hiện dự án phát triển năng lượng tái tạo tại tỉnh như: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1, Tập đoàn Trung Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Europlast, Tập đoàn Hà Đô, Công ty Cổ phần Năng lượng An Xuân…
Chia sẻ về việc thực hiện dự án điện gió tại tỉnh Lạng Sơn, ông Lê Phan Hoài Nam, chuyên gia cao cấp, phụ trách phát triển dự án điện gió tại tỉnh Lạng Sơn của Công ty BayWar.e. Wind Projects tại Việt Nam cho biết: Công ty đã thực hiện khảo sát và hiện nay cơ bản đã hoàn thành các bước để có thể thực hiện đầu tư phát triển dự án điện gió tại Lạng Sơn. Hiện công ty đã xây dựng các phương án để xây các tua bin gió mà không ảnh hưởng nhiều đến đất rừng, đất canh tác của người dân. Khi dự án hoàn thành vào năm 2025, sản lượng điện sản xuất hàng năm đủ cung cấp cho khoảng 230 nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, hiện nay Hợp tác xã Đồng Tâm (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) cũng đã thực hiện khảo sát và đang triển khai một số bước để thực hiện dự án điện rác tại xã Bình Trung, huyện Cao Lộc. Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc HTX Đồng Tâm cho biết: Để giảm thiểu lượng rác phải thực hiện chôn lấp, HTX Đồng Tâm chủ động phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Năng lượng VATEC thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện rác Lạng Sơn với công suất 11 MW. Khi nhà máy đi vào hoạt động, có thể xử lý 500 tấn rác/ngày đêm, qua đó đảm bảo việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt chôn lấp khoảng 20%/tổng lượng rác thải của toàn tỉnh cần xử lý.
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đang khẩn trương cùng với Viện Năng lượng, Bộ Công Thương hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển điện gió tỉnh Lạng Sơn; lập quy hoạch phát triển công nghiệp điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2035, trong đó có tích hợp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; tích cực phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương để bổ sung vào dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới một số dự án nguồn điện (điện gió, điện sinh khối, điện rác)…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, UBND tỉnh đã trình Chính phủ bổ sung các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở triển khai thực hiện cho những năm tới. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo tính toán sơ bộ đến năm 2030, một số nhà máy điện gió đi vào hoạt động sẽ đem lại giá trị khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nếu thực hiện và phát huy tối đa tiềm năng về điện sinh khối, điện rác…, giá trị thu về cũng được khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Điều này đem lại nguồn thu bền vững cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đây cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh Lạng Sơn vươn lên trở thành trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của khu vực phía Bắc.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()