Phát huy tiềm năng, lợi thế cây ăn quả ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc
Kỳ 2: Cần có chiến lược phát triển đúng hướng
Kỳ 2: Cần có chiến lược phát triển đúng hướng
Những hạn chế cần khắc phục
Thực tế, việc đưa cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao vào trong những chương trình sản xuất mũi nhọn của địa phương đã được một số tỉnh thực hiện thành công. Tuy nhiên, việc sản xuất cây ăn quả ở vùng núi phía bắc vẫn gặp những hạn chế, cần được khắc phục để khai thác hết lợi thế.
Theo Cục Trồng trọt, một trong những hạn chế đó là, ở khu vực này có lượng mưa tương đối lớn, tập trung, kết hợp độ dốc lớn gây xói mòn rửa trôi, ảnh hưởng sản xuất. Về mùa khô, lượng mưa ít, lượng bốc hơi cao, cho nên gây hiện tượng hạn hán. Ngoài ra, sương muối, gió khô nóng cũng là những tác nhân gây hại cho cây trồng. Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến sự phân hóa hoa, ra hoa và năng suất của các cây ăn quả á nhiệt đới, ôn đới, gây hiện tượng mất mùa hoặc không ổn định về năng suất các cây ăn quả. Đáng chú ý, đây là vùng có địa hình cao, dốc và bị chia cắt phức tạp. Trong đó, độ dốc trung bình 25 – 30o, có nơi bình quân hơn 35o, làm hạn chế đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là kiến thiết vườn, áp dụng các biện pháp thâm canh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ; khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, các công trình thủy lợi. Ngoài ra, điều kiện kinh tế, xã hội của vùng nhìn chung còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất lạc hậu, khả năng tiếp thu áp dụng kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh còn hạn chế… Hơn nữa, có nhiều giống được sử dụng chất lượng thấp, thoái hóa, nên mẫu mã sản phẩm không đồng đều, không đáp ứng thị hiếu thị trường. Giống rải vụ, trái vụ còn ít, cho nên nhiều loại quả chính tập trung trong thời gian ngắn, gây hiện tượng cung vượt cầu, như vải, mận; việc sản xuất cây ăn quả còn mang tính quảng canh, tận dụng, chưa phổ biến thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thâm canh từ khâu làm đất, trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đến tạo hình, cắt tỉa…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Nông Huy Tùng, mặc dù, cây cam sành đã bén rễ và cho hiệu quả kinh tế cao ở Hàm Yên, nhưng việc phát triển sản xuất vùng cam sành chưa tương xứng tiềm năng. Hiện, phần lớn cam được trồng chưa theo tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng dẫn tới giá trị sản phẩm chưa cao. Ngoài ra, một trong những điểm yếu nữa của cây cam sành Hàm Yên, là khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp; việc liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Mặc dù cam sành của huyện được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhưng không để được lâu, dẫn đến bất lợi trong việc thu hoạch và tiêu thụ của người nông dân.
Tại Yên Bái, mặc dù cây ăn quả đã và đang là cây mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng do sản xuất thường dựa vào quỹ đất của kinh tế hộ, trồng theo kinh nghiệm hoặc nhu cầu tự phát của từng chủ hộ, cho nên mức độ tập trung chưa cao. Từ việc phân bố cây ăn quả thiếu tập trung, sản lượng chưa cao dẫn đến chưa xây dựng được cơ sở chế biến trái cây, bảo quản nên giá trị sản phẩm thấp. Bên cạnh đó, việc di thực, kiểm soát giống đầu vào lỏng lẻo, khiến một bộ phận nông dân thiệt thòi khi trồng ba năm ra quả rồi trắng tay. Chị Hoàng Thị Hín ở thôn Mỵ (xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn) cho biết: “Cách đây hơn bảy năm, gia đình tôi phá bỏ vườn tạp, đưa cây cam canh, cam sành vào trồng trên diện tích hơn ba sào. Ba năm sau, cam bói quả, nhưng buồn là múi cam ít nước, quả nhỏ, không bán được”. Chị Nông Thị Thanh (thôn Nà Chùa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên) chuyển bốn sào đất ruộng sang trồng cây phật thủ, chia sẻ: “Với 70 gốc, Tết năm ngoái bán được 60 triệu đồng, khách mua tại vườn giá từ 300 đến 400 nghìn đồng/quả. Năm nay, nhiều quả hơn nhưng không biết đầu ra thế nào. Chúng tôi cứ thấy cây gì có giá là đổ xô vào trồng, sợ lại lặp cảnh “được mùa mất giá” như cây sắn, cây dứa, cây cà-phê ở Yên Bái những năm trước”.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Theo Viện trưởng Viện Nông, lâm nghiệp miền núi phía bắc Nguyễn Văn Toàn, nếu không có sự chuyển đổi mạnh từ chính sách đến thực hiện, những loại cây có lợi thế như cam sành Hàm Yên, bưởi Đoan Hùng, quýt Yên Bái, Hà Giang cũng chỉ được biết đến ở một số tỉnh lân cận. Do đó, khả năng tiếp cận thị trường trong cả nước cũng sẽ gặp khó khăn, chưa nói đến việc cạnh tranh với các loại cây khác để hướng đến xuất khẩu. Nhưng những loại cây ăn quả bản địa này nếu được đầu tư có trọng điểm, sản xuất thành vùng hàng hóa, áp dụng khoa học công nghệ cao, quảng bá thương hiệu tốt sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, hoàn toàn có thể cạnh tranh với bất kỳ loại hoa quả nào. Mặc dù ở khu vực miền núi phía bắc, mỗi vùng sinh thái phù hợp từng loại cây trồng, cho nên thuận lợi cho việc chọn và nhân giống, song công tác tuyển chọn giống cây ăn quả cần được lựa chọn phù hợp theo thị hiếu người tiêu dùng, từ đó sẽ phát triển rộng rãi những loại cây ăn quả này. Đồng thời, mỗi địa phương cần xác định một hoặc hai loại cây ăn quả chính để phát triển cũng như xây dựng mô hình sản xuất tập trung. Mặt khác, các địa phương cần có giải pháp đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tuyển chọn, đưa công nghệ cao vào sản xuất thâm canh; thực hiện tốt việc liên kết sản xuất với tiêu thụ; tận dụng các cơ hội thị trường và thu hút khối tư nhân đầu tư vào sản xuất cây ăn quả ôn đới.
Theo quan điểm của Cục Trồng trọt, các địa phương cần thực hiện rà soát, lập quy hoạch ngành hàng cây ăn quả chủ lực, có lợi thế, theo nội dung của chuỗi giá trị gia tăng để đầu tư phát triển. Hơn nữa, việc quy hoạch cần xác định diện tích của từng cây ăn trái phân bổ đến xã, gắn với đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương, phù hợp từng tiểu vùng, trồng tập trung để tạo khối lượng hàng hóa đủ lớn, có chất lượng bảo đảm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, công tác quy hoạch cần chú ý yêu cầu về độ cao, độ lạnh, bảo đảm điều kiện cho phân hóa hoa, ra hoa và năng suất, chất lượng quả. Cùng với đó, chú trọng việc tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết, từ từng vườn của nông hộ liên kết thành vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô phù hợp; đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết sản xuất như câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, vườn cây ăn trái mẫu lớn, doanh nghiệp cổ phần; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn trái chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài, nhất là khâu bảo quản và tiêu thụ trái cây tươi.
Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư chọn tạo, nhập nội, nghiên cứu đánh giá nhanh các giống cây ăn quả á nhiệt đới, ôn đới mới có năng suất, chất lượng quả tốt, thích ứng điều kiện của vùng, tiểu vùng. Ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các loại cây ăn trái chủ lực trồng tập trung một cách đồng bộ từ chọn tạo giống (nhất là các giống cây có năng suất, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; giống không hạt hoặc có ít hạt đối với cam, bưởi), đến quy trình thực hành sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến đa dạng hóa sản phẩm; tập trung thâm canh, đặc biệt là tưới nước tiết kiệm; trồng mới, cải tạo, thay thế giống có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch; tăng cường quản lý tốt chất lượng cây giống, vật liệu giống cho trồng mới, cải tạo vườn cây ăn quả.
Mặt khác, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất cây ăn trái; thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định nguồn hàng chế biến và tiêu thụ trên thị trường; hỗ trợ tạo điều kiện cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây xây dựng thương hiệu, đăng ký xin cấp giấy phép chỉ dẫn địa lý, đăng ký chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; phát triển, mở rộng thị trường nội địa thông qua hoạt động liên kết hợp tác giữa các địa phương với các thị trường trong nước có sức tiêu thụ trái cây số lượng lớn, các khu du lịch và khu dân cư lớn. Đồng thời giảm các khâu trung gian giữa sản xuất với các kênh phân phối trái cây.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-12-2015.
Đến hết năm 2015, diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 12.300 ha với sản lượng khoảng 80 nghìn tấn (tăng 2.800 ha so với năm 2014, trong đó diện tích được chứng nhận 1.164 ha). Đặc biệt, đã có 100 ha vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang của huyện Lục Ngạn, sản lượng khoảng 600 tấn và có hơn 60 ha được cấp mã vùng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
(Nguồn Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()